Phát biểu hôm nay tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, một trong những cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Mỹ về chiến lược, chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng quan hệ Việt - Mỹ đã phát triển vượt bậc sau gần ba thập niên bình thường hóa quan hệ.
"Mối quan hệ đó đã đơm hoa kết trái với nỗ lực của hai bên bằng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, bằng sự cảm thông, chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau để đạt được mục tiêu hai quốc gia, hai dân tộc và nhân dân hai nước mong muốn và hướng tới", ông nói.
Theo ông, thế giới đang đứng trước thời điểm khó khăn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, khi đại dịch Covid-19 và các chuyển dịch địa chính trị, địa kinh tế, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang tạo ra những thay đổi bước ngoặt với nhiều nhân tố khó dự báo, tác động đa chiều tới môi trường an ninh và phát triển của các quốc gia.
Ông nhấn mạnh nguy cơ chiến tranh, bất ổn gia tăng, kinh tế thế giới gặp nhiều rủi ro, trong khi cạnh tranh, đối đầu đang dẫn đến sự phân tách cả về chính trị, an ninh và kinh tế. Những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia và những nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030 của Liên Hợp Quốc.
"Sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm có vai trò đặc biệt quan trọng để giải quyết những vấn đề đặt ra với thế giới hiện nay", ông nói. "Thiếu vắng chân thành, lòng tin và trách nhiệm là một trong những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng, xung đột ở nhiều khu vực, là nhân tố cản trở nghiêm trọng đến hợp tác song phương giữa các quốc gia cũng như hợp tác đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu".
Theo Thủ tướng, mỗi quốc gia cần hành xử có trách nhiệm, thể hiện trước hết ở việc tuân thủ những cam kết của chính mình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng thể chế chính trị mà mỗi nước đã lựa chọn và được nhân dân ủng hộ, đóng góp vào công việc chung của cộng đồng quốc tế tùy theo khả năng.
Đối thoại, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau là một trong những phương thức giải quyết hữu hiệu nhất đối với những tồn tại giữa các quốc gia. "Chỉ có đầy đủ sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, các nước mới có thể cùng nhau giải quyết các vấn đề đặt ra một cách thực chất, hiệu quả", ông nói, nhấn mạnh "không để phương thức chủ đạo này bị phá vỡ vì bất cứ lý do gì".
Thủ tướng cho rằng ASEAN là một minh chứng về giá trị của chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong góp phần giải quyết những vấn đề khu vực, toàn cầu.
Nằm giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, ASEAN nỗ lực khẳng định vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình và cùng chung tay xây dựng Cộng đồng ASEAN theo Tầm nhìn đến 2025. Trên nền tảng chung của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm, ASEAN đang phát huy vai trò và cùng các đối tác thúc đẩy xây dựng cục diện thế giới, khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc.
ASEAN đã thiết lập và tiếp tục củng cố mạng lưới quan hệ đối tác chiến lược, mong muốn cùng các đối tác xây dựng sự chân thành, củng cố lòng tin, hành động có trách nhiệm, thúc đẩy hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, tôn trọng luật pháp quốc tế, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, xử lý các thách thức toàn cầu, trong đó có đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường...
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, là một thành viên tích cực, có trách nhiệm trong ASEAN và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào đối thoại và hợp tác, sẵn sàng đóng góp vai trò chủ động, tích cực, phù hợp với tiềm lực và vị thế.
"Từ một quốc gia bị chia cắt bởi cuộc chiến tranh phi lý, Việt Nam đã anh dũng đứng lên đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước", ông nói. "Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã nỗ lực vươn lên trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và đang thực hiện mục tiêu phát triển đầy khát vọng".
Mục tiêu được Thủ tướng nêu ra là đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
"Khát vọng phát triển của Việt Nam gắn liền với khát vọng hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của cả khu vực và thế giới", ông nhấn mạnh, bày tỏ mong muốn Mỹ và các đối tác quan tâm hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược trên, mở ra những cơ hội lớn cho hợp tác toàn diện và sâu sắc hơn giữa Việt Nam với Mỹ và các nước.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy với các nước trên thế giới, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn thể hiện sự chân thành, nhất quán, minh bạch trong xây dựng, triển khai đường lối đó.
"Giữa độc lập và phụ thuộc, chúng tôi luôn chọn độc lập với tinh thần 'không có gì quý hơn độc lập tự do' của Chủ tịch Hồ Chí Minh; giữa thương lượng và đối đầu, chúng tôi chọn thương lượng; giữa đối thoại và xung đột, chúng tôi chọn đối thoại; giữa hòa bình và chiến tranh, chúng tôi chọn hòa bình; giữa hợp tác và cạnh tranh, chúng tôi chọn hợp tác, còn cạnh tranh phải lành mạnh, bình đẳng, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhau", ông nói.
Theo ông, "Việt Nam không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng". Việt Nam cũng sẵn sàng đối thoại, hợp tác để xử lý các khác biệt, bất đồng, bảo đảm hài hòa lợi ích và giải quyết thỏa đáng các mối quan tâm của các đối tác, quốc gia, cộng đồng quốc tế.
Trong giải quyết các tranh chấp, xung đột ở khu vực và trên thế giới, trong đó có Biển Đông, Việt Nam luôn chủ trương duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Việt Nam cũng thực hiện hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), phấn đấu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Trong đóng góp vào quá trình hòa giải giữa các quốc gia, Việt Nam từng là địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai. Trong vấn đề Ukraine, Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực, sáng kiến của cộng đồng quốc tế trong tạo điều kiện để các bên đối thoại, tìm kiếm giải pháp lâu dài, bền vững. Việt Nam đã hỗ trợ nhân đạo 500.000 USD cho Ukraine.
Trong đại dịch Covid-19, Việt Nam đã viện trợ khẩu trang, vật tư y tế cho 51 quốc gia, trong đó có Mỹ, đóng góp tài chính cho Chương trình Covax. Thủ tướng cảm ơn và đánh giá cao cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, đã hỗ trợ cung cấp nguồn vaccine lớn, trang thiết bị y tế cho Việt Nam trong nỗ lực kiểm soát đại dịch, đặc biệt là việc Mỹ thành lập Văn phòng Trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội.
Dù còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế - xã hội và là một nước đang phát triển, Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm và quyết tâm rất cao trong ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết theo Thỏa thuận Paris và COP 26 tại Anh để đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, Việt Nam đã đàm phán, ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), mở ra thị trường thương mại tự do rộng lớn với trên 60 quốc gia, đối tác, thể hiện trách nhiệm của mình trong thực hiện bình đẳng và tự do thương mại.
Thủ tướng cho biết Việt Nam luôn mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Mỹ trên cơ sở chân thành, tiếp tục củng cố lòng tin, trách nhiệm của cả hai bên. "Để hoàn thành các mục tiêu phát triển của quốc gia, Việt Nam không thể đi một mình. Muốn đi xa phải có bạn bè", Thủ tướng nói khi đề cập đến quan hệ Việt - Mỹ.
Theo ông, Việt Nam và Mỹ đã đi được quãng đường dài trong thể hiện sự chân thành, xây dựng lòng tin với nhau, trong đó có nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh. Ông hoan nghênh và mong muốn Mỹ tiếp tục nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh với Việt Nam, thông qua các dự án tẩy độc dioxin, hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, rà phá bom mìn, thúc đẩy hợp tác tìm kiếm hài cốt bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến tranh.
Điểm lại những thành quả hợp tác về chính trị, kinh tế, giáo dục, an ninh - quốc phòng và các vấn đề quốc tế, khu vực, Thủ tướng cho rằng Việt - Mỹ đang đứng trước những cơ hội mới để đưa quan hệ Đối tác Toàn diện phát triển ổn định, lâu dài, thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu.
Ông nhấn mạnh ba lĩnh vực quan trọng có nhiều tiềm năng hợp tác giữa hai nước là tăng trưởng xanh, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, vốn là những lĩnh vực có thế mạnh hàng đầu thế giới của Mỹ.
"Sự kết hợp giữa thế mạnh của Mỹ trong các lĩnh vực quan trọng này cùng với sự năng động và chủ động, tích cực hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội lớn cho hợp tác giữa hai quốc gia, cộng đồng doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới", Thủ tướng nói.
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chân thành, lòng tin và trách nhiệm là nhân tố chủ đạo đưa quan hệ Đối tác Toàn diện Việt - Mỹ lên tầm cao mới, thực chất, hiệu quả hơn trong những năm tới.
Xem toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Trong phần hỏi đáp sau bài phát biểu, khi được hỏi về tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở của chính quyền Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng cho biết Việt Nam muốn hợp tác cùng Mỹ hiện thực hóa 4 trụ cột trong các sáng kiến cho khu vực, bao gồm đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng, chuyển đổi số, kinh tế số và thương mại số, chống biến đổi khí hậu và hợp tác trong các vấn đề lao động, thuế và chống tham nhũng.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam sẵn sàng trao đổi thêm với Mỹ về nội hàm của 4 trụ cột sáng kiến để làm rõ vai trò của Việt Nam trong tầm nhìn này, trên cơ sở đảm bảo lợi ích và mong muốn của cả hai nước, đồng thời phục vụ hòa bình, phát triển và an ninh cho mọi quốc gia trong khu vực.
Trả lời câu hỏi từ Viện Hòa bình tại Washington về hợp tác Việt - Mỹ trong giải quyết các di sản chiến tranh, Thủ tướng cho rằng quá trình này sẽ củng cố và bổ sung cho mọi phương diện khác của quan hệ song phương.
Ông nhấn mạnh hai nước cần tiếp tục tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực mà Việt Nam có tiềm năng còn Mỹ có lợi thế, trong đó chống biến đổi khí hậu và giải quyết bom mìn hậu chiến tranh là những ví dụ điển hình. Thủ tướng nhận định quan hệ hai nước vẫn còn rất nhiều dư địa và cơ chế mà các bên có thể cùng hợp tác phát triển.
Khi được hỏi về lộ trình và chính sách then chốt của Việt Nam nhằm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 được đưa ra tại hội nghị COP26, Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề có tính chất toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu.
"Để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chúng tôi phải giảm nhà máy phát thải carbon", ông cho biết. "Nếu có sự giúp đỡ của các nước giàu, nhất là về công nghệ, vốn, ổn định cuộc sống của nhân dân trong quá trình chuyển đổi, tôi tin chắc là sẽ làm được".
Thủ tướng Phạm Minh Chính đang dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam thăm, làm việc tại Mỹ ngày 11-17/5. Ngày 12-13/5, Thủ tướng sẽ dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ ở thủ đô Washington. Thủ tướng cũng dự kiến thăm và làm việc với lãnh đạo Liên Hợp Quốc tại New York, gặp gỡ một số đối tác, nhà đầu tư Mỹ tại Việt Nam và trò chuyện với kiều bào.
Quan hệ Việt - Mỹ đã phát triển và đạt nhiều thành tựu trong những năm qua. Hai nước xác lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2013 và Mỹ tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam năm 2016.
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ chín của Mỹ. Kim ngạch song phương năm 2021 đạt hơn 111,56 tỷ USD. Đến tháng 3, đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, đứng thứ 11 trong 141 nước và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam, theo Bộ Ngoại giao.
Tháng 3/2018, tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đến Đà Nẵng, đánh dấu lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam trong hơn 40 năm. Mỹ năm 2017 và 2021 chuyển giao hai tàu tuần tra lớp Hamilton cho Việt Nam và sẵn sàng chuyển thêm tàu thứ ba như một phần trong cam kết giúp Việt Nam tăng năng lực an ninh hàng hải.
Hoàng Thùy - Thanh Danh - Ngọc Ánh