"Về cơ bản, Biển Đông phải là vùng biển của hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng, không phải nơi đối đầu hay xung đột. Điều này phù hợp với tình thần của Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN). Malaysia sẽ tích cực thúc đẩy tầm nhìn này ở ASEAN", "Khung Chính sách đối ngoại của Malaysia mới" dài 80 trang với chủ đề "Thay đổi liên tục" do Thủ tướng Mahathir Mohamad công bố hôm 18/9 cho hay.
Hiệp định ZOPFAN với nội dung "duy trì ASEAN tự do khỏi bất kỳ hình thức hay cách thức can thiệp nào của cường quốc bên ngoài" được Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore ký vào năm 1971.
Biển Đông là một trong những tuyến hàng hải tấp nập nhất thế giới. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp, chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của các nước trong khu vực. Nước này cũng cải tạo một số thực thể chiếm đóng trái phép ở Biển Đông, tăng diện tích bề mặt với các cấu trúc nhân tạo và thiết lập các cơ sở quân sự. Biển Đông là một điểm nóng trong quan hệ Mỹ - Trung ở châu Á. Mỹ đã tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở vùng biển này, thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc.
ASEAN và Trung Quốc đang làm việc để xây dựng bộ quy tắc ứng xử Biển Đông. Chính phủ Malaysia cam kết tăng cường nỗ lực hợp tác với các đối tác quốc tế có liên quan để chống lại các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, trấn áp nạn buôn người và khủng bố ở vùng biển này.
Thủ tướng Mahathir nói rằng các yếu tố cơ bản của chính sách đối ngoại Malaysia vẫn không thay đổi, song cách tiếp cận của Malaysia đối với các vấn đề ảnh hưởng tới lợi ích trong nước sẽ thay đổi. Chính phủ Malaysia tiếp tục duy trì lập trường không liên kết với các cường quốc.
"Chúng ta đang sống trong thế giới mà những thay đổi diễn ra với tốc độ chóng mặt. Những thay đổi mang đến cả thách thức và cơ hội. Do đó, điều hợp lý là Malaysia không tuân thủ các phương thức tiếp cận truyền thống và thay vào đó là chủ động tìm cách khám phá những phương thức mới", Thủ tướng Malaysia cho biết trong bài phát biểu công bố chính sách mới.
Tài liệu mới sẽ cho thấy Malaysia duy trì quan hệ thân thiện với tất cả các nước và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, Malaysia vẫn "bày tỏ ý kiến và nếu cần thiết sẽ phản đối, chống lại sự bất công, áp bức và các tội ác chống lại nhân loại".
Tài liệu cũng khôi phục cam kết của quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi về việc cải thiện thực trạng cộng đồng và mục tiêu đóng vai trò nổi bật trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo. Malaysia sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo thế giới Hồi giáo tại Kuala Lumpur vào tháng 12.
Trong bài phát biểu, ông Mahathir nói rằng các cường quốc đang áp đặt ý chí của họ lên các quốc gia nhỏ hơn, khiến chủ nghĩa đa phương đang bị đe dọa. "Có những quốc gia hùng mạnh áp đặt biện pháp trừng phạt đơn phương, không tôn trọng các hiệp định thương mại và ngang nhiên coi thường khuôn khổ đa phương. Những biện pháp trừng phạt này không chỉ ảnh hưởng đến quốc gia cụ thể mà cả các quốc gia khác. Không có sự công bằng ở đây", Thủ tướng Malaysia nói.
Huyền Lê (Theo SCMP)