"Tôi muốn thông báo rằng tối nay tôi sẽ đệ đơn từ chức lên Tổng thống", Thủ tướng Italy Mario Draghi nói với nội các ngày 14/7. "Liên minh đoàn kết dân tộc ủng hộ chính phủ này không còn tồn tại nữa".
Theo ông, các điều kiện cần thiết để duy trì chính phủ liên minh "không còn nữa" và "hiệp ước tin cậy vốn là nền tảng thành lập chính phủ cũng đã không còn".
Quyết định của ông Draghi được đưa ra sau khi đảng Phong trào 5 Sao (M5S) từ chối tham gia bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ. Cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đã trở thành tâm điểm cho những căng thẳng trong chính phủ liên minh của ông Draghi khi các đảng chuẩn bị đối đầu trong cuộc bầu cử quốc gia diễn ra đầu năm 2023.
Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Draghi được thành lập vào tháng 2/2021 với sự tham gia của đảng M5S, đảng Liên đoàn, đảng Forza Italia, đảng Dân chủ, đảng Italia Viva và đảng Article One. Trong đó, M5S là chính đảng lớn nhất, chiếm hơn 30% số ghế tại Thượng viện và Hạ viện Italy sau cuộc tổng tuyển cử năm 2018.
Cựu thủ tướng Italy Giuseppe Conte, lãnh đạo M5S, ngày 13/7 đe dọa rút M5S khỏi liên minh cầm quyền, trong bối cảnh căng thẳng giữa ông và Thủ tướng Draghi gia tăng vài tuần qua. Thủ tướng Draghi nói rằng ông không muốn lãnh đạo chính phủ không có M5S.
Sau tuyên bố của ông Conte, lãnh đạo đảng Dân chủ và Liên đoàn cũng đe dọa sẽ rút khỏi liên minh cầm quyền, khiến chính phủ của Thủ tướng Draghi đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Một nhóm nghị sĩ M5S gần đây gây sức ép với lãnh đạo đảng, tin rằng M5S có thể thu hút được nhiều cử tri ủng hộ nếu rút khỏi chính phủ và đứng về phe đối lập. Conte cũng tuyên bố các thượng nghị sĩ đảng này sẽ không tham gia cuộc bỏ phiếu tại quốc hội ngày 14/7 để phản đối gói ngân sách hỗ trợ người dân ứng phó lạm phát.
Thủ tướng Draghi ngày 12/7 tuyên bố nếu M5S rút khỏi liên minh cầm quyền, mọi chuyện sau đó sẽ tùy thuộc quyết định của Tổng thống Sergio Mattarella. Ông cho rằng chính phủ Italy không thể tồn tại nếu thiếu M5S, nhưng cũng nhấn mạnh không chấp nhận tối hậu thư từ đảng này.
Draghi, cựu chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), trở thành Thủ tướng Italy hồi tháng 2/2021 với kỳ vọng đưa đất nước thoát khỏi đại dịch và giải cứu nền kinh tế.
Quyết định của M5S đẩy Italy vào tình trạng bất ổn chính trị, nguy cơ làm xói mòn nỗ lực tìm kiếm hàng tỷ euro viện trợ từ Liên minh châu Âu (EU) và có thể dẫn đến một cuộc tổng tuyển cử sớm vào mùa thu.
Liên minh cầm quyền và các đảng đối lập đã kêu gọi tổ chức bầu cử sớm trong trường hợp chính phủ của Thủ tướng Draghi sụp đổ. "Người dân Italy nên có tiếng nói của họ", Matteo Salvini, lãnh đạo đảng Liên đoàn cực hữu, nói.
Cuộc tổng tuyển cử tiếp theo của Italy dự kiến diễn ra mùa xuân 2023 và việc tổ chức bỏ phiếu vào mùa thu năm nay sẽ là điều bất thường, theo Guardian.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)