"Tôi thà chết" còn hơn yêu cầu EU cho trì hoãn Brexit, Thủ tướng Anh Johnson nói trong bài phát biểu tại học viện cảnh sát ở Wakefield ngày 6/9. "Sẽ chẳng đạt được điều gì nếu làm thế. Tiếp tục trì hoãn để làm gì?".
Boris Johnson quyết liệt thúc đẩy Brexit từ khi nhậm chức 6 tuần trước. Ông tuyên bố đình chỉ quốc hội Anh từ giữa tháng 9 cho đến ngày 14/10 nhằm rút ngắn thời gian các nghị sĩ có để thông qua dự luật ngăn Anh rời EU vào ngày 31/10.
Brexit vốn được lên kế hoạch xảy ra vào ngày 29/3, hai năm sau khi Theresa May, người tiền nhiệm của Johnson, kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon - cơ chế quy định cách quốc gia thành viên rời khỏi khối. Nhưng thời hạn này đã bị trì hoãn vài lần, một phần vì quốc hội Anh ba lần bác bỏ thỏa thuận mà chính quyền May thống nhất với EU.
Johnson nói rằng ông muốn đạt được một thỏa thuận với EU nhưng nhấn mạnh kể cả không có thỏa thuận, Anh vẫn cần rời khối vào cuối tháng tới. Động thái vấp phải nhiều chỉ trích từ đảng đối lập và cả các nghị sĩ trong chính đảng Bảo thủ của Johnson, vì kịch bản này có thể đem đến hậu quả kinh tế cho Anh.
Các nhà đàm phán Brexit của Johnson sẽ gặp các đối tác EU hai lần một tuần trong suốt tháng 9. Thủ tướng Anh cho rằng ông có thể đạt được thỏa thuận trong một hội nghị thượng đỉnh của EU diễn ra ngày 17-18/10 nhưng các đối thủ nghi ngờ về điều này.
Tuần này, các nghị sĩ Anh chạy đua để ngăn kịch bản Brexit không thỏa thuận xảy ra, trước khi quốc hội dừng hoạt động vào tuần tới. Hạ viện thông qua luật buộc Boris Johnson trì hoãn Brexit đến ngày 31/1/2020 nếu ông không thể đạt được thỏa thuận với EU trước ngày 19/10. Thượng viện Anh chấp nhận dự luật vào ngày 6/9. Dự luật sẽ cần Nữ hoàng Anh thông qua.
Phương Vũ (Theo AFP)