"10-year challenge" (Thử thách 10 năm) đang được người dùng mạng xã hội Facebook hưởng ứng nhiệt tình. Để thực hiện thử thách này, người chơi chỉ cần đăng hai bức ảnh, một chụp trong năm nay, bức còn lại chụp vào năm 2009, để so sánh sự thay đổi diện mạo qua một thập kỷ, theo Fox.
Nhiều người hưởng ứng trào lưu này như một cách để ôn lại kỷ niệm xưa, có người vì muốn khoe với bạn bè quá trình "lột xác" của mình, những người nổi tiếng càng nhiệt tình tham gia để chứng minh "vẻ đẹp trường tồn trước thách thức của thời gian".
Tuy nhiên, một số chuyên gia công nghệ cho rằng trào lưu tưởng chừng như vô hại này có thể là công cụ của Facebook để thu thập dữ liệu khuôn mặt từ người dùng.
Kate O’Neill, tác giả cuốn sách "Tech Humanist" (Công nghệ nhân văn), đặt ra giả thuyết rằng những người tham gia thử thách này đang giúp một chương trình sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong việc thu thập dữ liệu dựa trên các đặc tính lão hóa trên khuôn mặt. Một kho dữ liệu khổng lồ ghi nhận sự thay đổi của khuôn mặt trong một khoảng thời gian nhất định sẽ tăng độ chính xác của chương trình nhận diện khuôn mặt này.
"Trào lưu này có thể tạo ra một kho dữ liệu cực lớn tập hợp những bức ảnh được chọn lựa cẩn thận chụp vào thời điểm hiện tại và 10 năm trước", O’Neill nhận định. "Liệu điều này có vô hại nếu một ai đó có thể đang sử dụng dữ liệu để xây dựng thuật toán nhận diện khuôn mặt?".
Nhiều tập đoàn công nghệ, bao gồm Facebook và Amazon, trước đây từng bị cáo buộc dùng công nghệ nhận diện khuôn mặt để thu thập thông tin riêng tư của người dùng mạng.
"Đây là một trào lưu do người dùng mạng xã hội nghĩ ra", người phát ngôn của Facebook đáp trả những nghi ngờ. "Facebook không khởi xướng trao lưu này, hơn nữa, người ta dùng chính những bức ảnh đã đăng trên Facebook từ lâu. Facebook không thu lợi gì từ phong trào này". Đại diện Facebook còn khuyên người dùng có thể chọn lựa tắt hoặc bật chế độ nhận diện khuôn mặt trên điện thoại bất cứ lúc nào.
O’Neill cho rằng trước nguy cơ bị thu thập dữ liệu cá nhân, người dùng mạng xã hội nên lưu tâm hơn đến việc dữ liệu được sử dụng ra sao. "Bỏ qua những trào lưu và mạng xã hội, thông điệp ở đây là con người chính là nguồn cung cấp dữ liệu đầu vào phong phú nhất cho hầu hết các công nghệ đang được phát triển trên thế giới. Chúng ta nên ý thức được điều này và hành động một cách thận trọng", nữ chuyên gia O’Neill viết trên tạp chí Wired.