Chatchom Akapin, Giám đốc Vụ các vấn đề quốc tế thuộc Bộ Tư pháp Thái Lan, hôm 9/8 cho biết việc Serbia cấp quyền công dân cho cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra sẽ không bảo vệ bà khỏi bị dẫn độ về Thái Lan khi cần thiết.
Theo công tố viên cấp cao này, dù Thái Lan và Serbia không có hiệp ước dẫn độ, Bangkok vẫn sẽ tiến hành yêu cầu dẫn độ nếu biết nơi ở của "kẻ chạy trốn", thêm rằng tham nhũng là tội hình sự ở cả hai nước. "Bà Yingluck vẫn sẽ bị trừng phạt vì những tội mà bà đã gây ra, bất kể quốc tịch và nơi ở", ông Chatchom khẳng định.
Chính phủ Serbia cấp quyền công dân cho bà Yingluck từ ngày 27/6, viện dẫn một điều khoản pháp lý rằng "công dân nước ngoài có thể được cấp quyền công dân Serbia nếu điều đó phù hợp với lợi ích của đất nước". Anh trai bà Yingluck là cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra cũng được Montenegro, cựu đối tác của Serbia trong liên minh nhà nước từ 1992 đến 2006, trao quyền công dân danh dự vào năm 2010.
Yingluck trở thành thủ tướng Thái Lan năm 2011 và bị phế truất sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Bà sống lưu vong từ năm 2017 để tránh cáo buộc quản lý cẩu thả trong chương trình trợ giá lúa gạo cho nông dân, làm thất thoát ngân sách hàng tỷ USD.
Tháng 9/2017, tòa án tối cao Thái Lan xét xử vắng mặt đối với bà Yingluck. Bà bị tuyên án 5 năm tù và phải bồi thường thiệt hại. Cựu thủ tướng Thái Lan gọi những cáo buộc nhằm vào bà mang động cơ chính trị.
Huyền Lê (Theo Nation)