"Chiều 7/8, nhóm tàu Địa chất Hải dương 8 đã dừng hoạt động khảo sát địa chấn và rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam được xác định theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết trong cuộc họp báo chiều nay khi được hỏi về hoạt động của nhóm tàu khảo sát Trung Quốc trên Biển Đông. "Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục theo dõi".
Theo bà Hằng, Việt Nam trong những ngày qua đã nhiều lần bày tỏ ý kiến, triển khai các biện pháp ở các cấp và dưới nhiều hình thức phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS.
"Việt Nam đề nghị các nước tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với luật pháp quốc tế của Việt Nam. Việt Nam thể hiện, khẳng định thiện chí, sẵn sàng thông qua đối thoại, trao đổi với các nước liên quan để xử lý bất đồng, đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, phát triển tại Biển Đông, cũng như vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia", người phát ngôn nói thêm.
Trả lời câu hỏi của VnExpress về biện pháp Việt Nam đang và sẽ thực hiện nếu tàu Địa chất Hải dương 8 tiếp tục có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa, bà Hằng khẳng định: "Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán được quy định bởi luật quốc tế, trong đó có UNCLOS, bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế".
Devin Thorne, chuyên gia phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Cấp cao (C4ADS) ở Washington sáng nay trích dẫn dữ liệu từ công ty phân tích hàng hải Windward cho biết tàu khảo sát Trung Quốc đã rời khỏi EEZ của Việt Nam, theo Reuters. Tàu Địa chất Hải dương 8 đã hướng về đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi Trung Quốc bồi đắp trái phép đảo nhân tạo. "Nó đang ở ngay bên ngoài EEZ của Việt Nam", theo Thorne.
Trung Quốc điều nhiều tàu hải cảnh và dân binh hộ tống tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông từ đầu tháng 7. Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp phù hợp như trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay tàu khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nhiều nước trên thế giới cũng như ASEAN đã bày tỏ lo ngại về tình hình ở Biển Đông. Trong cuộc gặp tại Bangkok hôm 2/8, ngoại trưởng ba nước Mỹ, Nhật Bản, Australia ra tuyên bố chung bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng đối với những hoạt động gây cản trở liên quan đến các dự án dầu khí lâu dài ở Biển Đông.
"Duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, ở khu vực và thế giới là lợi ích chung của tất cả các quốc gia. Các nước trong khu vực và trên thế giới cần phải có những đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào mục tiêu chung này", bà Hằng nói.
Việt Anh