"Thủ tướng, với vai trò là quyền tổng thống, đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và áp lệnh giới nghiêm ở tỉnh Miền Tây", Dinouk Colombage, người phát ngôn của Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, cho biết hôm nay.
Cảnh sát Sri Lanka xác nhận đang áp lệnh giới nghiêm vô thời hạn với tỉnh Miền Tây, bao gồm cả thủ đô Colombo, để kiểm soát tình trạng biểu tình đang có xu hướng gia tăng.
Tình trạng khẩn cấp được ban bố trong bối cảnh không quân Sri Lanka xác nhận Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã rời khỏi quốc đảo trên một máy bay quân sự để đến Maldives sáng nay. Lãnh đạo 73 tuổi này trước đó thông báo sẽ từ chức trong ngày 13/7 để mở đường "chuyển giao quyền lực trong hòa bình". Ông được cho là ra nước ngoài để tránh nguy cơ bị bắt giam sau khi từ chức.
Reuters dẫn một nguồn tin cấp cao trong đảng Dân tộc Thống nhất (UNP) cầm quyền cho biết các quan chức chủ chốt của đảng ủng hộ Thủ tướng Wickremesinghe là ứng viên thay thế Tổng thống Rajapaksa, nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra.
Ông Wickremesinghe trước đó cũng đã tuyên bố sẽ từ chức để mở đường thành lập một chính phủ đoàn kết, nhưng chưa ấn định thời gian. Theo quy định của hiến pháp Sri Lanka, khi Tổng thống rời khỏi đất nước, Thủ tướng sẽ trở thành quyền tổng thống.
Sau khi thông tin về chuyến bay ra nước ngoài của Tổng thống Rajapaksa được xác nhận, hàng nghìn người đã tập trung tại các khu vực biểu tình chính ở thủ đô Colombo, hô lớn "Gota trộm cắp, Gota trộm cắp", nhắc đến biệt danh của ông Gotabaya Rajapaksa.
Hàng trăm người khác xông vào Văn phòng Thủ tướng, yêu cầu ông Wickremesinghe từ chức ngay lập tức. Phóng viên AFP tại hiện trường cho biết cảnh sát Sri Lanka phải dùng hơi cay để ứng phó với người biểu tình.
Chủ tịch quốc hội Sri Lanka có thể nhận được thư xin từ chức của ông Rajapaksa vào trưa 13/7, theo một quan chức cấp cao UNP. Người biểu tình cảnh báo họ sẽ "kiên quyết đấu tranh" nếu cả tổng thống và thủ tướng không từ chức trong chiều nay.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)