Với 92.472 ca nhiễm nCoV và 10.023 người chết, tỷ lệ tử vong do Covid-19 tại Italy là 10,8%, được cho là cao nhất thế giới. Trung Quốc, nơi đại dịch khởi phát, báo cáo số ca nhiễm là 81.439, nhưng số người chết chỉ khoảng 1/3 Italy.
Người Italy bắt đầu hy vọng cuộc khủng hoảng y tế sẽ hạ nhiệt sau khi số ca tử vong mới hàng ngày có dấu hiệu chậm lại vào ngày 22/3. Tuy nhiên, việc số liệu những ngày sau đó tiếp tục tăng khiến hy vọng của họ vụt tắt.
Lệnh đóng cửa doanh nghiệp và cấm tụ tập tại Italy dự kiến hết hạn vào ngày 3/4. Tuy nhiên, trong bài phát biểu trên truyền hình tối 28/3, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết người dân nên sẵn sàng dành thêm nhiều thời gian ở nhà.
"Đã đến lúc mở cửa lại đất nước hay chưa? Tôi nghĩ chúng ta phải suy nghĩ về nó thực sự cẩn thận. Đất nước đang đứng yên và chúng ta phải tối thiểu hóa các hoạt động, nhằm đảm bảo sự sống còn của tất cả", giám đốc Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy Angelo Borrelli trả lời các phóng viên.
Toàn bộ khu vực đồng euro dự kiến rơi vào suy thoái trong những tháng tới. Tuy nhiên, Italy thậm chí đối mặt với nguy cơ gần như sụp đổ nền kinh tế, bởi đây là quốc gia châu Âu đầu tiên đóng cửa gần như tất cả doanh nghiệp vào ngày 12/3.
"Đây là điều gì đó vô cùng khác biệt so với cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Chúng ta đang ở điểm quan trọng trong lịch sử châu Âu", Thủ tướng Conte cho hay.
Việc các số liệu ngày càng tăng dường như là dấu hiệu cho thấy tỷ lệ tử vong của Italy có thể cao hơn nhiều. Các viện dưỡng lão thường không báo cáo đầy đủ trường hợp tử vong, trong khi số người chết tại nhà vì nCoV cũng chưa rõ.
Giới chuyên gia cho biết tỷ lệ tử vong tại Italy cao hơn nhiều so với các quốc gia khác do nhiều yếu tố, như nước này có dân số già, đối tượng dễ bị virus tấn công, cũng như những hạn chế trong xét nghiệm khiến bức tranh toàn cảnh về đại dịch không đầy đủ.
Bác sĩ Massimo Galli, trưởng khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Sacco, Milan, cho biết số ca nhiễm nCoV được xác nhận tại Italy "không phản ánh toàn bộ số bệnh nhân và con số thực tế "cao hơn rất nhiều". Galli nói thêm rằng chỉ những ca bệnh nặng nhất mới được xét nghiệm, khiến tỷ lệ tử vong bị sai lệch.
Covid-19 đã xuất hiện tại gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tâm dịch dịch chuyển từ Trung Quốc sang châu Âu và Mỹ. Toàn cầu đã ghi nhận gần 663.000 ca nhiễm, hơn 30.000 người chết và gần 142.000 trường hợp bình phục.
Ánh Ngọc (theo CNN)