Luật trao cho các bộ trưởng trong chính phủ Singapore quyền yêu cầu các trang mạng xã hội đặt cảnh báo cạnh các bài viết mà họ cho là sai sự thật và có thể gỡ bài viết có nội dung sai nghiêm trọng.
Các mạng xã hội như Facebook, Twitter và Google, vốn đang đặt trụ sở khu vực châu Á của họ tại Singapore, sẽ được tạm thời miễn trừ thi hành một số điều khoản trong đạo luật nhằm có thêm thời gian thi hành.
Theo đạo luật, nếu một hành động lan truyền tin giả trên mạng bị đánh giá là ác ý và gây tổn hại tới lợi ích của Singapore, bên vi phạm có thể bị phạt tới 720.000 USD đối với công ty, trong khi cá nhân có thể phải đối mặt án tù tới 10 năm.
Giới chức khẳng định biện pháp này là cần thiết nhằm ngăn chặn lan truyền thông tin sai lệch gây chia rẽ xã hội và làm xói mòn niềm tin. Tuy nhiên, đạo luật cũng đang đối mặt phản ứng dữ dội từ các nhóm hoạt động xã hội, các công ty công nghệ và cơ quan truyền thông.
Khi đạo luật được thông qua hồi tháng 5, Google cho biết hãng lo ngại luật sẽ "làm tổn hại tới tính sáng tạo và sự phát triển trong hệ sinh thái thông tin số".
Đạo luật cũng gây tranh cãi ngay trong chính quốc hội Singapore, khi một số nghị sĩ đối lập cho rằng quyền quyết định thế nào là tin giả không nên được trao cho chính phủ, mà cần được thẩm định tại tòa án. Một số nhà hoạt động cũng lo ngại luật có thể được áp dụng để trấn áp những người bất đồng chính kiến trong cuộc bầu cử sắp tới tại Singapore, dự kiến diễn ra trong vài tháng tới.
Nhật Duy (Theo Guardian)