"Vì Iran đã đảm bảo bằng văn bản rằng đích đến của tàu Grace 1 không phải là một quốc gia chịu lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) nên không còn cơ sở nào hợp lý để nói rằng việc bắt tàu là cần thiết", Anthony Dudley, chánh án tòa án tối cao Gibraltar, vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh, hôm nay tuyên bố.
Charles Gomez, luật sư có mặt trong phiên tòa, nói rằng lệnh bắt tàu chở dầu Grace 1 không còn hiệu lực và tàu phải được thả ngay lập tức. Thủ hiến Gibraltar Fabian Picardo cũng đã ban hành chỉ thị rằng tàu Grace 1 không vi phạm lệnh trừng phạt của EU đối với Syria, do đó không có lý do gì để tàu tiếp tục bị giữ.
Tại một phiên điều trần trước đó, Tổng chưởng lý Gibraltar Joseph Triay cho biết Bộ Tư pháp Mỹ đã đệ trình yêu cầu Gibraltar nên tiếp tục giữ tàu dầu, song chánh án Dudley nói tòa không nhận được văn bản của Washington. Hiện chưa rõ cơ sở pháp lý cho hành động của Mỹ.
Theo phát ngôn viên của tổng chưởng lý, thuyền trưởng của Grace 1 và ba thủy thủ sẽ được thả. Bốn người này trước đó bị bắt để điều tra, trong khi 24 thủy thủ còn lại vẫn ở trên tàu.
"Không hoàn thành mục tiêu thông qua khủng bố kinh tế, Mỹ đã cố lạm dụng hệ thống pháp lý để đánh cắp tài sản của chúng tôi trên biển. Nỗ lực cướp biển này là biểu hiện khinh thường luật pháp của chính quyền Trump", Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đăng Twitter sau thông tin tàu Grace 1 được thả. Đại sứ Iran tại Anh Hamid Baeidinejad gọi phán quyết là "thất bại nhục nhã" đối với Mỹ.
"Siêu tàu dầu" Grace 1 treo cờ Panama, thuộc quản lý của công ty IShips Management có trụ sở tại Singapore. Tàu có trọng tải 300.000 tấn bị Thủy quân lục chiến Anh cùng cảnh sát biển Gibraltar bắt ngày 4/7 ở ngoài khơi vùng lãnh thổ này với cáo buộc chở dầu tới Syria, vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu.
Iran xác nhận sở hữu số dầu trên tàu, song bác cáo buộc tàu chở dầu đến Syria, khẳng định dầu đang được đưa tới cảng Basra của Iraq.
Grace 1 bị kéo về Gibraltar từ đó tới nay. Để đáp trả, Iran hôm 19/7 bắt tàu dầu Stena Impero treo cờ Anh gần eo biển Hormuz. Các vụ bắt tàu dầu qua lại giữa Anh và Iran đã khiến căng thẳng Vùng Vịnh leo thang đáng kể.
Tuyến giao thông trên eo biển Homuz đã trở thành điểm nóng ở Vùng Vịnh do mối quan hệ vốn không tốt đẹp Mỹ - Iran ngày càng trầm trọng hơn kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Hồi giáo.
Mỹ sau đó đề xuất thành lập liên minh hàng hải để bảo vệ các tàu dầu trên Vùng Vịnh. Anh ngày 5/8 tuyên bố đồng ý gia nhập liên minh, động thái được Mỹ ủng hộ nhiệt tình và ngợi ca quốc gia này là "chuyên gia hàng hải của mọi thế kỷ".
Huyền Lê (Theo CNN)