"Hôm nay tôi nhận được rất nhiều sự đồng cảm và nhiều lời chúc tốt đẹp", Wall Street Journal dẫn lời bà Nicola Sturgeon, Thủ hiến Scotland, nói tại cuộc họp báo ở Brussels, sau cuộc gặp với Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.
"Điều đó tất nhiên không có nghĩa là một con đường dễ dàng tự động mở ra cho Scotland để vượt qua tình thế chúng tôi đang mắc phải. Tôi nhấn mạnh là chúng tôi không gây ra tình thế đó, nhưng những lời chúc và sự đồng cảm đó có nghĩa là tối nay, tôi rời Brussels để trở về Edinburg với trái tim thanh thản và lạc quan".
Trước cuộc gặp, ông Juncker nói Scotland đã "giành được quyền để được lắng nghe ở Brussels", nhưng nói thêm rằng EU sẽ không can thiệp vào vấn đề độc lập của Scotland.
Sturgeon cho biết bà quyết tâm tìm cách để giữ Scotland ở lại Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, theo BBC, Pháp và Tây Ban Nha phản đối việc EU thảo luận về tư cách thành viên của Scotland. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói ông "tin rằng mọi người đều cực lực phản đối điều đó" và "nếu Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland ra đi, Scotland cũng ra đi". Tổng thống Pháp Francois Hollande thì khăng khăng rằng EU sẽ không có thỏa thuận trước nào với Scotland.
Sau cuộc bỏ phiếu, bà Sturgeon nói một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai của Scotland về việc độc lập khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland đã trở lại bàn thảo luận và nội các của bà sẽ chuẩn bị về luật pháp để mở đường cho việc này. Cách đây hai năm, người Scotland bỏ phiếu trưng cầu bác bỏ việc độc lập khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.
Đa số người đi bỏ phiếu ở Scotland, Bắc Ireland và Gibraltar ủng hộ việc ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý cách đây một tuần. Kết quả cũng cho thấy 51,9% người đi bầu trên toàn bộ Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland ủng hộ ra khỏi liên minh, nhiều hơn số người phản đối chỉ gần 4%.
Trọng Giáp