Người phụ trách truyền thông phủ tổng thống Philippines Rafael Banaag ngày 18/7 cho hay nước này đã điều tra 14.724 cảnh sát liên quan đến các hoạt động trấn áp tội phạm ma túy tính từ tháng 7/2016 đến tháng 4/2018, khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Trong đó, 7.867 cảnh sát bị xử phạt, gồm 2.367 cảnh sát bị sa thải, 4.100 bị đình chỉ công tác, những người còn lại bị khiển trách, giáng cấp, trừ lương hoặc bị tước một số đặc quyền.
Tuy nhiên, bà Banaag không nói rõ có bao nhiêu cảnh sát bị truy tố hình sự vì những sai phạm nghiêm trọng hoặc đã phạm tội hình sự trong quá trình trấn áp tội phạm.
"Có một số sai sót nhất định xảy ra trong quá trình hoạt động, nhưng những sai sót đó đang được giải quyết", Severo Catura, một giới chức phụ trách vấn đề nhân quyền cho biết tại họp báo. Ông Catura cho hay động thái là cách chứng minh rằng luật pháp đang được tuân thủ ở nước này.
Thông tin được phủ tổng thống Philippines đưa ra sau khi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 11/7 thông qua nghị quyết do Iceland đề xuất, kêu gọi điều tra hàng nghìn người chết trong cuộc chiến chống ma túy ở Philippines.
Chiến dịch chống tội phạm ma túy của Philippines dưới sự chỉ đạo của Tổng thống Rodrigo Duterte kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 5/2016, cho phép cảnh sát bắn chết tại chỗ các nghi phạm mà không cần qua xét xử.
Cảnh sát Philippines cho hay khoảng 6.600 nghi phạm ma túy đã thiệt mạng trong các cuộc trấn áp tội phạm ma túy, chủ yếu là cảnh sát buộc phải đấu súng do nghi phạm chống trả quyết liệt và gây nguy hiểm tới tính mạng của người thi hành công vụ. Tuy nhiên tại họp báo ngày 18/7, bà Banaag khẳng định số người thiệt mạng trong các cuộc trấn áp thấp hơn, khoảng hơn 5.500 người, đồng thời các nhà chức trách Philippines vẫn đang xác minh các trường hợp tử vong khác liên quan tới ma túy.
Các nhóm đấu tranh vì nhân quyền tin rằng số người chết có thể còn cao gấp 4 lần con số chính phủ cung cấp do nhiều trường hợp không được báo cáo hoặc được thực hiện trong bí mật bởi những băng nhóm sát thủ do chính quyền thuê.
Mai Lâm (Theo AP)