"Chúng tôi sẽ giảm dần sự hiện diện ngoại giao ở Canada cho đến khi nước này nhận lại lượng rác lớn của họ", Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin hôm nay tuyên bố trên Twitter. Quyết định rút các nhà ngoại giao hàng đầu khỏi Canada được chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte thực hiện sau khi Ottawa không nhận lại 69 container rác thải dù hạn chót 15/5 mà Manila đưa ra đã qua.
Ông Locsin cũng chỉ trích các nhà ngoại giao nước này vì cho rằng họ chưa nỗ lực hết mình trong việc yêu cầu Ottawa nhận lại rác thải. Hiện Bộ Ngoại giao Canada chưa đưa ra bình luận về động thái trên của Philippines.
Động thái mới nhất cho thấy thái độ cứng rắn của Philippines trong việc xử lý lượng rác thải nhập khẩu trái phép từ Canada. Tháng trước, Tổng thống Duterte yêu cầu Ottawa nhận lại số rác trên nếu không muốn hai quốc gia trở thành "kẻ thù". Ông Duterte thậm chí đe dọa sẽ "tuyên chiến" và đích thân hộ tống các container rác thải về lại Canada bằng đường biển.
Theo tổ chức môi trường EcoWaste, 103 container chứa khoảng 2.500 tấn rác thải sinh hoạt đã được vận chuyển từ Vancouver tới Phillippines trong giai đoạn 2013-2014. Công ty tư nhân Chronic Plastics Inc khai báo gian dối rằng các container này chứa phế liệu nhựa.
Rác thải từ ít nhất 26 container đã được chôn vùi tại một bãi rác ở Philippines. Tuy nhiên, các container còn lại chứa chất thải nguy hại vẫn được lưu trữ tại cảng Limbo.
Canada cho biết chính phủ nước này không hậu thuẫn hoạt động xuất khẩu số container rác này sang Philippines, mà đây là những giao dịch thương mại dân sự. Ottawa khẳng định chính phủ Canada không có khả năng buộc các doanh nghiệp tư nhân vận chuyển rác về nước.
Philippines đã nhiều lần phản đối bằng biện pháp ngoại giao đối với Canada sau một phán quyết của tòa án Philippines năm 2016 rằng Ottawa phải nhận lại số container chứa tã giấy, báo, chai lọ nhựa và nhiều loại rác khác.
Theo một số chuyên gia, những container rác thải này vi phạm luật pháp quốc tế và trái với Công ước Basel, hiệp ước được ký 30 năm trước nhằm ngăn các nước vận chuyển rác thải nguy hại đến các quốc gia đang phát triển mà không có sự đồng ý của chính phủ.
Mai Lâm (Theo Reuters)