"Những chiếc áo vàng vẫn được huy động", Laetitia Dewalle, người phát ngôn của phong trào biểu tình "áo vàng" tại Pháp hôm 27/12 cho biết, theo AFP. Một đại diện của phong trào là Benjamin Cauchy nói rằng cuộc biểu tình tuần thứ bảy liên tiếp sẽ diễn ra ngày 29/12, tiếp tục trong đêm giao thừa 31/12 "để chứng tỏ việc huy động sẽ không kết thúc trong năm mới".
Cauchy cũng cảnh báo nếu các khoản nhượng bộ mà Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra đến nay vẫn chưa được bổ sung, "chúng tôi sẽ biểu tình quy mô lớn vào cuối tháng một". Dù số người biểu tình trên khắp đất nước đã giảm đáng kể, hàng nghìn người vẫn lên kế hoạch tham gia cuộc biểu tình đêm giao thừa mà họ gọi là "sự kiện lễ hội và không bạo lực".
Trước đó trong ngày, quan chức thành phố Paris nói rằng lễ đón giao thừa ở Champs-Elysees sẽ được tiến hành, bất chấp kế hoạch biểu tình của phe "áo vàng". Kế hoạch bắn pháo hoa và chương trình âm nhạc mừng năm mới trên đại lộ Champs-Elysees với chủ đề "tình anh em" vẫn đang được chuẩn bị. Hàng chục nghìn du khách và người dân địa phương sẽ tham dự sự kiện này.
Từ tháng 11, Champs-Elysees là tâm điểm của các cuộc biểu tình bạo lực liên tiếp chống lại chính phủ Macron để phản đối kế hoạch tăng thuế xăng dầu và cải thiện đời sống của người dân, với cao trào là Khải Hoàn Môn bị đập phá hôm 1/12. Hàng chục nghìn người đã tham gia biểu tình trên khắp nước Pháp.
Macron tìm cách xoa dịu cuộc khủng hoảng vào giữa tháng 12 bằng cách công bố gói biện pháp trị giá 10 tỷ euro (11,4 tỷ USD) để hỗ trợ người hưu trí và người lao động có thu nhập thấp. Động thái này khiến phe "áo vàng" bị chia rẽ. Những người ôn hòa sẵn sàng đối thoại với chính phủ, trong khi những người khác tiếp tục biểu tình gây sức ép vì cho rằng giải pháp của chính phủ chưa thỏa đáng.
Priscillia Ludosky, người đưa ra kiến nghị chống tăng thuế nhiên liệu vào tháng 5 và cũng là người có vai trò lớn trong việc khơi dậy phong trào "áo vàng", tuyên bố các biện pháp của Macron "không đủ và không có bất kỳ mong muốn thực sự nào để cải thiện mức sống của người Pháp".
Phong trào "áo vàng" được coi là cuộc khủng hoảng lớn nhất mà Tổng thống Macron phải đối diện trong nhiệm kỳ của mình. Phong trào sau đó lan rộng sang nhiều nước châu Âu. Hàng nghìn người hôm 15/12 tuần hành ở thủ đô Rome, Italy, để phản đối luật chống nhập cư mới của chính phủ. Tại Áo, khoảng 17.000 người ở thủ đô Vienna đổ xuống đường để phản đối chính sách di cư, đồng thời yêu cầu giảm ngày làm việc và bãi bỏ các biện pháp khắc khổ.
Ở Anh, hôm 14/12, những nhà hoạt động ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong trang phục áo vàng tuần hành trên cầu Westminster, khiến giao thông ách tắc.