Các tin tặc đã công bố khoảng 20.000 email bị đánh cắp từ máy chủ của Uỷ ban Quốc gia đảng Dân chủ (DNC). Chúng cho thấy các quan chức DNC, nhẽ ra phải duy trì quan điểm trung lập, lại ưu ái bà Clinton hơn so với đối thủ trong đảng là Bernie Sanders.
Một số nhà nghiên cứu bảo mật cho rằng vụ việc có liên quan đến chính phủ Nga, nhưng điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc này.
Nhân những lùm xùm quanh vụ việc này, các quan chức và chuyên gia Mỹ đã hướng sự chú ý đến mối quan hệ đối địch giữa bà Hillary Clinton và Tổng thống Nga Putin.
Gốc rễ căng thẳng
Theo Time, năm 2009, ngay sau khi Tổng thống Obama nhậm chức, bà Hillary, với tư cách là ngoại trưởng mới được bổ nhiệm, đã khởi xướng điều Nhà Trắng gọi là "tái thiết lập" quan hệ với Nga. Vào thời điểm đó, ông Putin đã định vị mình như một đối thủ của Mỹ, hoặc ít nhất là đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới.
Ông Putin khi đó đang giữ chức thủ tướng, còn ông Medvedev giữ chức tổng thống. Khác với ông Putin, Tổng thống Medvedev đã thể hiện mình là người thiên về phương Tây và có hứng thú đặc biệt với các tiện ích công nghệ cao của Mỹ.
Điều này đem lại cơ hội cho Washington và trong năm nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Obama, Mỹ đã cố gắng xây dựng mối quan hệ tốt hơn với Nga thông qua ông Medvedev. Là ngoại trưởng, bà Clinton đã giám sát những nỗ lực này. Tổng thống hai bên đã đến thăm lẫn nhau, ông Obama đến Nga năm 2009, và ông Medvedev đến Mỹ năm 2010, thiết lập một loạt các thỏa thuận hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực, từ chống khủng bố đến kinh tế công nghệ cao.
Tuy nhiên, đối với những người giữ lập trường cứng rắn với phương Tây ở Điện Kremlin, nỗ lực của bà Clinton để kết bạn với ông Medvedev được coi là nhằm làm xói mòn vai trò của ông Putin như một đối trọng với sự thống trị của Mỹ trong vấn đề thế giới.
Mùa xuân năm 2011, Mỹ và các đồng minh bắt đầu thúc đẩy để mở đường cho can thiệp quân sự ở Libya, nhằm lật đổ chính quyền ông Muammar Ghaddafi. Nhưng nếu không được Nga chấp thuận, phương Tây không thể đạt được nghị quyết tại Liên Hiệp Quốc để có cơ sở pháp lý cho sự can thiệp. Vì vậy, bà Clinton và ông Obama đã gây sức ép với ông Medvedev, và cuối cùng ông đã đồng ý không phủ quyết nghị quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Theo Time, ông Putin rất tức giận trước quyết định này. Ông cho rằng nghị quyết giống "lời kêu gọi thời Trung cổ cho một cuộc thập tự chinh Thiên chúa giáo".
Một số cựu quan chức chính quyền Obama nói rằng khi bà Clinton là ngoại trưởng, bà là quan chức Mỹ tích cực và thẳng thắn nhất trong việc chống lại nỗ lực củng cố quyền lực trong nước và mở rộng ảnh hưởng trong và ngoài khu vực của ông Putin. Bà giữ lập trường đối nghịch với ông Putin trong một loạt vấn đề, bao gồm sự hỗ trợ của Nga với Iran và Syria. Bà Clinton còn từng phát biểu rằng ông Putin cố gắng tái tạo Liên Xô.
"Họ rất tức giận vì điều đó", NBC dẫn lời Michael McFaul, đại sứ Mỹ tại Nga năm 2012 – 2014, nhớ lại các cuộc họp với các quan chức Nga cấp cao. "Tôi là đại sứ vào thời điểm đó, họ vô cùng giận dữ vì bà ấy".
Khi rời khỏi chính phủ, bà Clinton thậm chí còn trở nên gay gắt hơn, đến mức so sánh ông Putin với trùm phát xít Đức Hitler năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Những nhận xét này không chỉ làm mất lòng ông Putin mà còn cả công chúng Nga.
"Bà ấy luôn là tiếng nói cứng rắn trong chính quyền của chúng tôi với Nga. Các đồng nghiệp của tôi tại Nhà Trắng cũng phải đồng ý như vậy", ông McFaul nói thêm.
Kỳ cựu hay lính mới
Theo Washington Post, các nhà phân tích thân Điện Kremlin chỉ ra rằng khi ông Bill Clinton là tổng thống Mỹ, ông đã cố gắng hướng Nga đến các chính sách chính trị, pháp lý và kinh tế mới nhưng đa phần đều thất bại. Họ lo ngại rằng bà Hillary sẽ cố gắng làm giống như chồng mình. Khi được hỏi về bà Clinton hồi tháng 4, ông Putin trả lời bằng một câu nói phổ biến ở Nga, ám chỉ vợ chồng thường giống nhau.
Trong vài tháng qua, truyền thông Nga liên tục viết rằng ông Donald Trump sẽ là tổng thống Mỹ có lợi với Nga hơn bà Clinton, do cách tiếp cận của ông với Đông Âu và mong muốn làm đảo lộn hệ thống chính trị Mỹ.
Tuy nhiên, Igor Ivanov, cựu ngoại trưởng Nga lại giữ quan điểm thận trọng. Hiện là chủ tịch Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga, ông viết hồi đầu tháng này rằng: "Thường dễ đạt được một thỏa thuận với các chuyên gia giàu kinh nghiệm, ngay cả khi họ là những nhà đàm phán không linh hoạt và đối tác khó khăn. Họ tự nhận thức được hạn chế của họ và chúng ta dễ đoán được hành động của họ hơn".
"Chúng ta thường khó làm việc với các 'lính mới' trong chính trị quốc tế, vì sự thiếu kinh nghiệm thường biến thành hành vi thiếu lý trí và khó đoán trước, dẫn đến những quyết định thiên về mặt chủ quan, cảm xúc. Một khi đã có những quyết định sai lầm thì rất khó khắc phục", ông viết.
Xem thêm: Donald Trump giải thích việc kêu gọi tin tặc Nga tấn công hòm thư Hillary Clinton
Cuộc kết hôn của hai cỗ máy chính trị Obama - Clinton
Phương Vũ