Tỷ phú Donald Trump, ứng viên đại diện đảng Cộng hòa chạy đua vào Nhà Trắng, tuyên bố sẽ "khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại". Nhưng nếu ông đắc cử, nước được lợi đầu tiên dưới thời tổng thống Trump lại không phải là nước Mỹ mà là Trung Quốc, theo tạp chí Week.
Ông Trump từng quyết liệt phê phán chính sách thương mại của Trung Quốc với Mỹ, gọi đây là "vụ trộm lớn nhất lịch sử thế giới", đổ cho Trung Quốc đang "cưỡng bức" và "giết chết" nước Mỹ. Trump đồng thời hứa hẹn rằng Trung Quốc sẽ "không thể thao túng tiền tệ và gian lận" nếu như ông trở thành tổng thống.
Song, điều trớ trêu là thể hiện của Trung Quốc không thực sự giống như những gì ông Trump miêu tả, cây bút Ben Shull từ Week nhận xét. Số liệu công bố gần đây cho thấy kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 6,7% trong quý một năm 2016, mức tăng thấp nhất suốt 7 năm qua. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đang phải vật lộn đối phó với tình trạng xuất khẩu giảm sút, tăng trưởng đầu tư chậm chạp, bong bóng nợ chực chờ nổ tung cùng hàng loạt thách thức khác.
Mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng cũng suy giảm nghiêm trọng khi Bắc Kinh không ngừng thực hiện các động thái gây hấn, phô trương sức mạnh quân sự ở châu Á, bồi lấp trái phép đảo nhân tạo và tuyên bố chủ quyền phi lý đối với hầu hết diện tích Biển Đông, dẫn tới tranh chấp căng thẳng với nhiều quốc gia.
Trước bối cảnh này, tổng thống Mỹ tiếp theo, với một chính sách hợp lý, hoàn toàn có khả năng kiềm chế Trung Quốc. Nhưng nếu người đó là Trump, ông ấy sẽ chỉ lãng phí cơ hội đó, Shull đánh giá.
Đắc lợi
Vấn đề đầu tiên là việc triển khai quân sự của Mỹ ở châu Á. Về khía cạnh này, Trump tuyên bố khá hùng hồn, mạnh mẽ nhưng hành động thực tế có lẽ sẽ rất yếu ớt, cây bút từ tạp chí Week cho hay.
Tỷ phú Mỹ không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc chiến với Trung Quốc. Trump khẳng định Mỹ "cần yếu tố bất ngờ". Nhưng bên cạnh đó, ông lại kêu gọi cắt giảm ngân sách quân sự và cần đảm bảo rằng "chúng được huy động hợp lý". Đáng chú ý nhất, ông yêu cầu các đồng minh của Mỹ ở châu Á phải chi tiền để binh sĩ quân đội nước này hiện diện tại khu vực. Về cơ bản, ông đang coi các đồng minh quan trọng ở châu Á như một gánh nặng an ninh mà Mỹ phải gánh vác.
Ông có lần đặt câu hỏi rằng Mỹ "còn phải bảo vệ Hàn Quốc khỏi Triều Tiên không công đến bao giờ nữa?"
Điều này có thể làm suy yếu nghiêm trọng vị thế của Mỹ trong khu vực và là cơ hội tốt để Trung Quốc lợi dụng, mở rộng ảnh hưởng, ông Shull nhấn mạnh.
Tại một cuộc phỏng vấn với báo Wall Street Journal, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn giữ nguyên quan điểm về việc binh sĩ Mỹ đóng quân trong khu vực.
"Tôi không thể tưởng tượng ra bất kỳ viễn cảnh nào mà ở đó sự hiện diện của Mỹ là không cần thiết", ông Abe cho biết.
Nhật Bản thực tế chi trả tới hai tỷ USD mỗi năm để Mỹ duy trì hiện diện quân sự ở nước này, trái ngược với những thông tin mà ông Trump đưa ra nói rằng Mỹ không nhận được gì khi triển khai quân ở châu Á.
"Lập trường của ông Trump trước những đồng minh như Nhật Bản và Hàn Quốc không chỉ phá vỡ quan hệ đồng minh mà còn gây bất ổn cho thế cân bằng vốn đã bấp bênh ở Đông Bắc Á", Van Jackson, giáo sư nghiên cứu an ninh, chuyên gia tại Trung Tâm An ninh Mỹ Mới, viết trên tạp chí Diplomat.
Theo Jackson, Trump còn từng ngụ ý rằng ông không cảm thấy Mỹ trong tương lai cần duy trì hiện diện quân sự ở châu Á.
Ông Tsuneo Watanabe, nhà nghiên cứu tại một viện chính sách Nhật Bản, cho rằng nếu không có những biện pháp răn đe quân sự mà chỉ Mỹ mới đủ khả năng thực hiện ở châu Á - Thái Bình Dương, "Trung Quốc sẽ mặc sức hoành hành".
Tương tự, các quan điểm về kinh tế, thương mại của ông Trump cũng đi ngược lại với những vai trò mà Mỹ đáng lẽ phải thực hiện ở khu vực. Một trong những mục tiêu công kích ưa thích của nhà tài phiệt New York là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông Trump hết lần này đến lần khác gọi TPP là "một thảm họa" hay "một thỏa thuận tồi tệ".
Nhưng thực tế không như vậy, TPP chính là công cụ quan trọng để Mỹ hiện thực hóa các mục tiêu ở châu Á nói chung và đối với Trung Quốc nói riêng, ông Shull nhận xét.
Ngoài Mỹ và Nhật Bản, Brunei, Malaysia, Singapore hay Việt Nam cũng là thành viên của TPP. Bằng cách tách Trung Quốc khỏi nhóm, TPP đang ngầm tìm cách giảm bớt sức ảnh hưởng kinh tế từ Trung Quốc thông qua việc liên kết các nền kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương với Mỹ. Tuy nhiên, ác cảm mà ông Trump dành cho những mối quan hệ thương mại ở Đông Á sẽ chỉ khiến các đồng minh Mỹ quay đầu sang hợp tác với Trung Quốc, Shull bình luận.
Ngoài ra, nếu trở thành tổng thống, chính sách thương mại của ông Trump với Trung Quốc còn tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế Mỹ. Giá trị xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc hiện vẫn ở mức cao, khoảng 100 tỷ USD. Vì thế, việc ông Trump kêu gọi áp thuế 45% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu Trung Quốc chắc chắn sẽ phản tác dụng nếu đối phương đáp trả bằng cách tương tự. Nền kinh tế Mỹ thậm chí sẽ bị tổn thương nặng nề hơn so với Trung Quốc, giới quan sát nhận định.
Peter Petri, chuyên gia kinh tế tại Đại học Brandeis, Mỹ, ước tính mức thuế suất mà ông Trump muốn áp dụng "có thể khiến tổng thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ tăng 67 tỷ USD".
Caroline Freund, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, thêm rằng thuế nhập khẩu như vậy sẽ tác động "khủng khiếp" tới những người nghèo ở Mỹ bởi nó khiến giá cả những mặt hàng thiết yếu với họ tăng cao. Moody's Analytics dự đoán cuộc chiến thương mại mà ông Trump khơi mào với Trung Quốc còn có nguy cơ khiến hàng triệu người Mỹ mất việc.
Nhìn chung, việc kiềm chế Trung Quốc bằng những biện pháp mà tỷ phú Trump đề xuất rõ ràng là điều bất khả thi. Dù Trung Quốc là một mục tiêu công kích của nhà tài phiệt New York trong chiến dịch tranh cử nhưng nếu Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ, Bắc Kinh sẽ là bên đắc lợi thay vì chịu thiệt thòi, Shull nhấn mạnh.
Xem thêm: Donald Trump nỗ lực thay đổi hình ảnh 'bạo miệng'
Vũ Hoàng