Chính phủ Nhật Bản sau đó nhanh chóng lên tiếng phản bác bình luận của ông Trump, ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa, và khẳng định ý kiến trên là "không thực tế", theo Diplomat.
Bà Yuki Tatsumi, chuyên gia tại Chương trình Đông Á thuộc Trung tâm Stimson, trụ sở ở Washington, Mỹ, đánh giá, tuyên bố của tỷ phú Trump cho thấy một sự thật là ông rất thiếu những kiến thức cơ bản về chính sách đối ngoại.
Theo Tatsumi, chỉ trích mà ông Trump đưa ra không đúng với hoàn cảnh thực. Nhật Bản hiện vẫn trả một khoản tiền tương đối lớn nhằm trang trải các chi phí để lực lượng quân sự Mỹ duy trì hiện diện tại nước này. Theo một bản thỏa thuận có hiệu lực hôm 1/4, Nhật nhiều khả năng còn phải thanh toán tới 1,6 tỷ USD một năm trong vòng nửa thập kỷ tới. Mức chi này tăng nhẹ so với cùng kỳ 5 năm trước.
Mặt khác, giới quan sát nhận định, Tokyo từ lâu nay luôn là đồng minh hào phóng đối với Washington, đáp ứng ít nhất 75% chi phí hoạt động của các lực lượng Mỹ đóng tại Nhật. Do đó, Nhật rõ ràng thực hiện rất sòng phẳng nghĩa vụ của mình.
Nếu mở rộng vấn đề vượt xa hơn những phát biểu của ông Trump, người ta sẽ dễ dàng nhận ra việc Mỹ bày tỏ nỗi thất vọng với các đồng minh không có gì là mới mẻ, bà Tatsumi nhận định.
Ông Robert Gates, bộ trưởng quốc phòng đầu tiên dưới thời Tổng thống Obama, hồi tháng 6/2011, trong bài phát biểu cuối cùng tại Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thẳng thừng cảnh báo, chính phủ Mỹ cũng có giới hạn ngân sách trước các quốc gia không muốn đóng góp nguồn lực, đồng thời sẵn sàng điều chỉnh chính sách để đảm bảo an ninh quốc phòng. Phát biểu của ông Trump, dù mang tính khiêu khích, phần nào phù hợp với quan điểm của cựu bộ trưởng Gates.
Một số người cho rằng, chính phủ Nhật Bản đã làm được rất nhiều trong việc củng cố năng lực phòng vệ quốc gia. Thế nhưng, một điểm đáng lưu ý là Tokyo hiện tại vẫn chưa chi đủ cho quốc phòng. Dù ngân sách quốc phòng Nhật đang có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ chi tiêu cho quốc phòng trên tổng sản phẩm nội địa (GDP) gần như không thay đổi, giữ ở mức hơn 1%. Thậm chí, mức chi quốc phòng năm 1997 còn cao hơn bây giờ, bà Tatsumi cho hay.
Áp lực ngân sách lớn đến mức việc mua sắm những máy bay như F-35A, Global Hawk, V-22 Osprey, C-2 hay P-1 phải đánh đổi bằng việc cắt giảm số tiền chi cho các trang thiết bị hay hoạt động quan trọng góp phần duy trì năng lực sẵn sàng ứng phó và hành động của Nhật, ví dụ như đạn dược hay công tác đào tạo, hậu cần.
Việc ông Trump quả quyết rằng Nhật Bản cùng các đồng minh khác phải phụ thuộc vào chiếc ô an ninh của Mỹ là một nhận định sai lầm nghiêm trọng, theo Tatsumi. Song, bất chấp những tuyên bố có phần sai lệch của Trump cũng như thực tế là ông thường xuyên bị giới chính khách Mỹ chỉ trích, nhà tài phiệt New York vẫn giành được nhiều ủng hộ, vươn lên trở thành ứng viên dẫn đầu đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Điều này phản ánh rõ nét mối bất đồng giữa những gì mà các nhà hoạch định chính sách hình dung về vai trò của Mỹ trên thế giới với điều cử tri kỳ vọng ở chính phủ.
Thay vì tiếp tục phản bác Trump, các nhà lãnh đạo ở cả hai quốc gia nên coi việc ông nổi lên nhanh chóng như một dấu hiệu cho thấy họ không thể tự mãn và phải nỗ lực hơn nữa trong việc thúc đẩy mối quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ - Nhật, bà Tatsumi nhận định.
Xem thêm: Cơn cuồng Donald Trump của người dân Trung Quốc
Đình Việt