Trong cuộc phỏng vấn với tờ NYTimes mới đây, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đã thẳng thừng tuyên bố rằng nếu ông đắc cử, Mỹ sẽ không bảo vệ các thành viên NATO vô điều kiện, và trong trường hợp một nước thuộc khối bị tấn công, ông sẽ xem xét đóng góp của quốc gia đó như thế nào cho NATO rồi mới ra tay can thiệp.
Ngay lập tức, tuyên bố của Trump đã làm bùng lên làn sóng phản ứng giận dữ trong giới chức ở Nhà Trắng, NATO và thậm chí là cả các lãnh đạo đảng Cộng hòa.
Tại Brussels, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng ông sẽ không "can thiệp vào chiến dịch bầu cử của Mỹ", nhưng đồng thời nhấn mạnh mục tiêu rõ ràng của NATO là "bảo vệ lẫn nhau". "Hai cuộc thế chiến đã cho thấy hòa bình ở châu Âu cũng rất quan trọng với an ninh của nước Mỹ".
Mỹ là nước đóng góp hơn 70% ngân sách hoạt động cho NATO, và Washington đã nhiều lần than phiền rằng các đồng minh không tích cực đóng góp tài chính cho hoạt động của khối.
Tuy nhiên trong lịch sử chưa có bất cứ chính trị gia nào đưa ra kiến nghị "khác thường" như ông Trump. "Họ đã hoàn thành nghĩa vụ với chúng tôi chưa? Nếu họ đã hoàn thành nghĩa vụ của mình, câu trả lời là có", ông Trump nói khi được hỏi liệu Mỹ có đem quân tiếp viện trong trường hợp ba thành viên NATO vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva bị Nga tấn công hay không.
Trước tuyên bố này của tỷ phú, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon nói với giọng đầy châm biếm: "Điều 5 Hiệp ước 1949 là một cam kết tuyệt đối. Nó không diễn ra với bất cứ điều kiện ràng buộc hay hạn chế nào". Điều 5 của hiệp ước này nói rõ rằng NATO sẽ bảo vệ bất cứ thành viên nào trong trường hợp nước đó bị tấn công. Cho tới nay, Điều 5 mới chỉ được kích hoạt một lần, sau khi Mỹ hứng chịu đợt tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001.
Trong một hội nghị NATO diễn ra ở Ba Lan chưa đầy hai tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã trấn an các đồng minh rằng "dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, châu Âu cũng có thể trông cậy vào Mỹ - luôn luôn".
Tổng thống Estonia Toomas Hendrik Ilves đã viết trên Twitter rằng Estonia là một trong 4 thành viên của NATO đáp ứng được yêu cầu chi ra tối thiểu 2% GDP cho ngân sách quốc phòng, và các binh sĩ Estonia đã "chiến đấu vô điều kiện" cho nước Mỹ trong cuộc chiến ở Afghanistan chống lại chủ nghĩa khủng bố theo Điều 5 của Hiệp ước 1949.
Artis Pabriks, cựu bộ trưởng quốc phòng Latvia, thì thẳng thắn hơn khi mạnh mẽ chỉ trích tuyên bố của ông Trump. "Nếu Trump nghi ngờ tinh thần đoàn kết của NATO theo Điều 5, việc ông ta đắc cử sẽ gây nguy hiểm cho an ninh vùng Baltic", Pabriks viết trên Twitter.
Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite thì vội vã tìm cách trấn an dân chúng sau tuyên bố của ông Trump. "Dù ai trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo đi chăng nữa, chúng tôi vẫn tin tưởng nước Mỹ. Mỹ đã luôn bảo vệ các quốc gia bị tấn công, và sẽ làm như vậy trong tương lai", bà nói.
Nguy cơ đe dọa an ninh
Theo các chuyên gia phân tích, ý tưởng của ông Trump trên thực tế sẽ đạp đổ chính sách đối ngoại mà Mỹ đã dày công xây dựng trong nhiều thập kỷ và làm rung chuyển các cấu trúc an ninh vốn đã làm chỗ dựa cho sự ổn định của châu Âu và toàn cầu sau Thế chiến II.
Xenia Wickett, giám đốc chương trình Mỹ và châu Mỹ tại viện Chatham House, tổ chức tư vấn chính sách đối ngoại ở London, cho rằng giọng điệu của ông Trump chỉ là sự lặp lại – dù với ít tính ngoại giao hơn – những nỗi lo ngại mà một loạt bộ trưởng quốc phòng Mỹ từng nêu ra, như ông Robert Gates, Leon Panetta và Ashton Carter.
"Nước Mỹ không còn sẵn lòng trang trải gần 75% ngân sách NATO như hiện nay nữa. Trump đã đẩy nỗi lo ngại đó tới cực điểm, và ông ta muốn thấy sự 'công bằng' hơn về phân công lao động", bà Wickett nói. "Điều không may là cách thức biểu đạt như thế này của ông Trump có thể có lợi cho kẻ thù hơn là hỗ trợ liên minh", bà bổ sung.
Alexandra de Hoop Scheffer, trưởng phòng đại diện Paris của Quỹ German Marshall, cho rằng ông Trump đã đẩy cuộc tranh luận về chia sẻ gánh nặng trong NATO "lên mức cực điểm", bằng cách đặt vấn đề về trách nhiệm của Mỹ thực thi nghĩa vụ bảo vệ thành viên của NATO.
Từ sự kiện này, Scheffer tin rằng các lãnh đạo châu Âu cần phải thuyết phục được người dân về "tầm quan trọng của đầu tư vào quốc phòng để đối mặt với những thách thức an ninh hiện nay và tương lai".
Còn Carl Bildt, cựu thủ tướng kiêm ngoại trưởng Thụy Điển, nói rằng ông lo ngại tuyên bố của ông Trump có thể khiến các nước như Nga và Trung Quốc tin rằng "Mỹ sẽ không đứng lên vì đồng minh và cam kết", và đây sẽ là điều "đặc biệt nguy hiểm cho sự ổn định toàn cầu". "Ông ta đang coi nhẹ việc bảo vệ không chỉ các lợi ích chung, mà còn là các giá trị chung", Bildt nói.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitch McConnell, người hết lòng ủng hộ tỷ phú Trump tại đại hội vừa diễn ra của đảng, nói rằng ông hoàn toàn không đồng ý với tuyên bố trên, bởi NATO "là liên minh quân sự thành công nhất trong lịch sử thế giới", nhưng cho rằng đây chỉ là một "sai lầm của người mới vào nghề".
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham thì tỏ ra chua chát hơn khi nói về phát ngôn của ứng cử viên tổng thống đại diện cho đảng. "Tôi chắc chắn 100% về cảm nhận của Tổng thống Nga Vladimir Putin – ông ấy sẽ rất vui".
Tại Nga, nhiều nghị sĩ đã bày tỏ sự ủng hộ đối với tuyên bố của ông Trump. Alexei Pushkov, chủ tịch ủy ban đối ngoại Duma Quốc gia Nga, so sánh quan điểm của ông Trump với bà Hillary Clinton, ứng cử viên đảng Dân chủ. "Tín điều của Clinton: tăng cường liên minh chống Nga. Tín điều của Trump: chỉ đáp trả những đe dọa thực sự", ông Pushkov viết. "Sự tầm thường hung hăng chống lại sự khôn ngoan".
Người dân các nước Đông Âu đã bày tỏ nỗi giận dữ và bức xúc với phát ngôn của ông Trump. "Những lời nói của ông ấy là vô trách nhiệm và khiến tôi lo sợ. Tôi lo lắng về tương lai thế giới và cả Ba Lan", Lidia Zagorowska, nữ giáo viên ở Warsaw, Ba Lan, chia sẻ.
"Nếu là một công dân Mỹ, tôi sẽ không bao giờ, không đời nào bỏ phiếu cho Trump. Đó là câu trả lời của tôi", Katarzyna Woznicka, 54 tuổi, ở Warsaw, khẳng định.
Xem thêm: Cuộc chiến giữa Donald Trump và các ông trùm công nghệ Mỹ
Trí Dũng