"Các lãnh đạo đều nhất trí rằng chúng ta sẽ không vỡ nợ", Tổng thống Mỹ Joe Biden nói hôm 17/5 ngay trước khi lên đường tới Nhật Bản dự hội nghị G7.
Ông chủ Nhà Trắng và các lãnh đạo quốc hội Mỹ, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, đã tổ chức hai vòng đàm phán trực tiếp nhằm đạt được thỏa thuận nâng giới hạn vay nợ của chính phủ, song không đạt được tiến bộ nào. Chủ tịch Hạ viện Mỹ nói còn "rất nhiều việc phải làm" để phá vỡ thế bế tắc trần nợ.
Phe Cộng hòa, đã giành quyền kiểm soát Hạ viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022, tiếp tục nhắc lại quan điểm rằng chỉ chấp thuận nâng trần nợ nếu đi kèm các điều khoản cắt giảm chi tiêu lớn của chính phủ.
Đảng Dân chủ trong khi đó cáo buộc đảng Cộng hòa đang sử dụng những chiến thuật cực đoan để thúc đẩy chương trình nghị sự của mình.
Tổng thống Biden hôm 17/5 thông báo rút ngắn chuyến công du châu Á để về Mỹ giải quyết vấn đề trần nợ. Sau khi tới Hiroshima, Nhật Bản để tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 dài ba ngày, ông sẽ bỏ qua hai điểm dừng chân Papua New Guinea và Australia. Thủ tướng Australia sau đó thông báo hủy cuộc họp của nhóm Bộ Tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) tại nước này.
Mỹ hồi tháng 1 chạm trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD do quốc hội thiết lập, buộc Bộ Tài chính phải triển khai các biện pháp đặc biệt để duy trì chính phủ hoạt động. Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cảnh báo Mỹ có thể vỡ nợ vào ngày 1/6 nếu quốc hội không giải quyết được bài toán nâng trần nợ công.
Giới chuyên gia kinh tế cảnh báo vỡ nợ sẽ tạo ra nhiều hệ quả nghiêm trọng đến kinh tế cũng như an sinh xã hội Mỹ. Chính phủ Mỹ không thể thanh toán các nghĩa vụ nợ, thị trường tài chính bị ảnh hưởng, Bộ Tài chính có thể phải hoãn chi trả cho khoảng 66 triệu người thuộc diện nhận trợ cấp hàng tháng.
Ngọc Ánh (Theo AFP)