Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AP. |
Ủy ban Nobel cho biết Obama được trao giải nhờ "những nỗ lực xuất sắc nhằm củng cố ngoại giao quốc tế và hợp tác giữa các dân tộc".
Là tổng thống gốc Phi đầu tiên của Mỹ, Obama đã kêu gọi giải giáp vũ khí và nỗ lực tái khởi động tiến trình hòa bình ở Trung Đông bị bế tắc, kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng giêng.
"Hiếm khi một người như Obama có thể thu hút được sự chú ý của công chúng thế giới và mang đến niềm hy vọng cho dân chúng nước ông về một tương lai tốt đẹp hơn", Reuters dẫn lời ủy ban trao giải Nobel cho biết.
Giải thưởng được công bố khi Obama nhậm chức chưa đầy 9 tháng. Dù đặt ra nhiều mục tiêu đầy tham vọng, Obama vẫn chưa đạt được bước tiến đột phá nào về vấn đề Trung Đông hay chương trình hạt nhân của Iran. Ông cũng đang đối mặt với những lựa chọn khó khăn trong xử lý cuộc chiến ở Afghanistan.
Tháng trước, Obama chủ trì một cuộc gặp gỡ lịch sử tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong đó, các bên nhất trí thông qua một nghị quyết do Mỹ soạn thảo, kêu gọi các quốc gia sở hữu hạt nhân cắt giảm kho vũ khí nguyên tử.
Chuyên gia đàm phán hòa bình của Palestine Saeb Erekat hoan nghênh giải thưởng dành cho Obama và bày tỏ hy vọng rằng "ông có thể mang lại hòa bình cho Trung Đông". Cựu tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, từng đoạt giải Nobel Hòa bình, tỏ ra vui mừng trước thông tin này và nói rằng Obama đã đem lại hy vọng cho thế giới.
Đây không phải là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Mỹ thuộc phe Dân chủ giành giải thưởng cao quý này. Trước Obama, cựu phó tổng thống Al Gore được trao giải thưởng năm 2007 cùng cơ quan về khí hậu của Liên Hợp Quốc; cựu tổng thống Jimmy Carter giành giải năm 2002.
Theo BBC, ông chủ Nhà Trắng đã vượt lên trên số lượng kỷ lục 204 đề cử để giành giải năm nay. Phần thưởng dành cho ông là một huy chương vàng, một tấm bằng chứng nhận và 1,4 triệu USD. Giải thưởng sẽ được trao ở Oslo, NaUy, vào tháng 12.
H. Ninh