Tác giả trong một buổi topographies. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Nhớ lại một ngày đẹp trời cũng đầu tháng 6 của 5 năm về trước, tôi bén duyên với nước Pháp khi vô tình đọc được thông báo tuyển sinh của một trường Kỹ sư Pháp dán trên bảng thông tin của trường mình, THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM.
Riêng với tôi, một học sinh học 12 năm chương trình tiếng Anh thì nó rất mơ hồ khi nghĩ về một Giấc Mơ Pháp. Ai cũng nghĩ du học châu Âu rất tốn kém nên không có nhiều học sinh hứng thú với thông báo ấy dù rằng tuyển sinh không yêu cầu biết tiếng Pháp vì chương trình đào tạo tiếng Anh trong 2 năm đầu song song với học tiếng Pháp với thầy cô bản xứ.
Khi quyết định đi, bạn bè đều cho rằng tôi khùng vì đã học chuyên ban D, ngoại ngữ là tiếng Anh, lại dám đi Pháp học ngành xây dựng bên ban A. Tuy nhiên, dù là học tiếng Anh, nhưng ngoài giờ học, cuộc sống quanh tôi mọi người nói tiếng Pháp. Vì thế, rào cản lớn nhất vẫn là ngôn ngữ, khiến mình dễ rơi vào tự kỷ, cô lập bản thân với thế giới rồi dẫn đến chán học.
Nói chính xác hơn, du học, việc đầu tiên cần là học cách vượt qua bản thân mình, vượt qua những bức tường tâm lý ấy. Thật sự mà nói thì năm đầu tiên là khó nhất khi vừa phải tiếp thu kiến thức của hai năm đại cương cùng với việc học tiếng Pháp. Lúc ấy tôi chỉ ước có bánh mì chuyển ngữ của Doraemon để phá bỏ rào cản đáng ghét ấy!
Chút từng chút, như một đứa trẻ bập bẹ tập nói, được thầy cô, bạn bè người Pháp giúp đỡ, tiếng Pháp cũng tang dần lên. Người Pháp thật sự rất thân thiện, gần gủi và tốt bụng. Kết quả sau 5 năm, không phải mình tôi, mà còn nhiều bạn người Việt của tôi cũng đã chủ động tìm được việc và làm trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp.
Điều tôi muốn nói ở đây, tôi, một người học 12 năm tiếng Anh, nước Pháp vẫn cho tôi cơ hội học tập, hòa nhập và tiến thân. Nước Pháp, cơ hội chia đều cho tất cả là như vậy! Bạn, tôi và tất cả mọi người đều có cơ hội như nhau, nếu thật sự bạn có quyết tâm, có chí cầu tiến lập thân, đóng góp cho xã hội, nước Pháp luôn chào đón.
Hầu hết đa số bạn trẻ Việt Nam đều theo xu hướng học tiếng Anh, Hoa, Hàn để có thể kiếm được một công việc tốt trong một công ty liên doanh quốc tế nào đó. Vì thế, tiếng Pháp dần chìm vào quên lãng. Riêng đối với tôi, có lẽ, tôi đã đi ngược dòng thế hệ mình… bỏ tiếng Anh qua học tiếng Pháp, nhưng cũng nhờ đó, tôi hiểu rằng nước Pháp chưa bao giờ lỗi thời.
Ở Pháp, trắng, đen, đỏ, vàng, không phân biệt màu da, sắc tộc, cơ hội được chia đều cho tất cả. Ảnh do tác giả cung cấp. |
Pháp là quốc gia đa sắc tộc, nhiều màu da, nhưng họ chung sống trong hòa bình và quyền lợi được chia đều, thật là một giấc mơ đẹp mà tôi gọi nó là giấc mơ Pháp.
Để hệ thống an sinh xã hội và y tế của Pháp được Tổ chức Y tế thế giới WHO đánh giá là nước chăm sóc sức khỏe toàn diện tốt nhất thế giới, ta không thể bỏ qua sự hoạt động hiệu quả của quỹ trợ cấp xã hội chính phủ Pháp CAF.
Tre già măng mọc, vì thế nên phụ nữ, trẻ em, sinh viên học sinh là những người được xã hội lo chu đáo theo đúng tinh thần phát triền bền vững cho tương lai.
Trẻ con sanh ra người mẹ còn được nhận tiền thưởng, trang thiết bị y tế tối tân, bảo hiểm lo trọn gói, không tốn kém nhiều chi phí, mà trẻ còn được chính phủ chu cấp đến 18 tuổi.
Sinh viên quốc tế vẫn được hưởng trợ cấp như các bạn cùng trang lứa người Pháp. Một chính sách tôi nghĩ khó có thể kiếm được một quốc gia tư bản nào trên thế giới này.
Không những vậy, khi bạn đi làm được, bạn đóng thuế, khi bạn mất việc, bạn sẽ được xã hội bù đắp lại trợ cấp thất nghiệp 70% lương của bạn trong 2-3 năm tùy đối tượng. Đó là lẽ công bằng.
Lấy tiền người giàu từ thuế thu nhập cá nhân, chia cho người nghèo qua hình thức trợ cấp xã hội. Đôi lúc không cần phải lớn tiếng mạnh miệng mục đích to tát gì, mà chỉ cần tiến hành những chính sách thiết thực, thu hút chất xám, đem lại lợi ích cho mọi người. Bởi vì thật sự bạn sẽ khó phân biệt một người giàu hay nghèo qua cách ăn mặc khi ra ngoài đường trừ phi bạn xem bảng lương và bảng báo cáo thuế thu nhập cá nhân của họ.
Khen nhiều quá, tôi cũng sợ bị ném đá vì bị cho là xu nịnh. Nhưng cái gì tốt thì mình cũng cần phải khen ngợi chứ! Tôi viết với văn phong rất tự do như chính không gian nơi tôi đang sống, tự do tự tại, không theo một lề lối gò ép nào cả, để độc giả cùng hiểu hơn về nước Pháp.
Nguyễn Thái Hòa