Trong bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc trước đồng bào tại quảng trường Ba đình ngày 2-9-1945 có đoạn mở đầu trích từ Bản Tuyên Ngôn Nhân quyền và Dân Quyền (1791) của Cách Mạng Pháp năm 1789: “ Mọi người sinh ra đều tự do và Bình đẳng về quyền lợi và phải luôn luôn được được Tự do và Bình đẳng về quyền lợi…..”
Tháng 11-1992 tôi có dịp tới nước Pháp. Tôi đã đọc được những dòng chữ khắc in dưới nền sảnh khu vực gần Tháp Eiffel : Les Hommes naissent et Demeurent Libres et Egaux en Droit… đó là điều I của Bản tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền.
Cách mạng Pháp năm 1789 là cuộc cách mạng có ảnh hưởng lớn tới thế giới, nó xóa bỏ xã hội phong kiến tại nước Pháp, khởi đầu cho những năm tháng tiếp theo qua những thăng trầm của lịch sử để có một nước Pháp là cường quốc trên thế giới ngày nay. Tôi nhớ tới ba màu Xanh - Trắng - Đỏ được ghi dấu ấn trên mũ của những người lính cách mạnh Pháp năm 1789 thể hiện cho Tự do - Bình đẳng - Bác ái và đã được chọn làm quốc kỳ của Pháp từ những ngày đó. Ngày quốc khánh Pháp 14 tháng 7 là ngày nhân dân Pháp phá ngục Bastille (1789 ), một hành động hùng hồn tượng trưng cho sự phá bỏ cường quyền áp bức của chế độ phong kiến.
Hình ảnh tượng trưng Nữ thần tự do Pháp: |
Trong bộ phim Casablanca nổi tiếng có một phân đoạn khiến tôi xúc động đó là cảnh một người Pháp đứng ra chỉ huy nhóm nhạc và hát bài quốc ca nước Pháp – La Marseillaise thể hiện lòng yêu nước ngay trước mặt những sĩ quan quân đội phát xít Đức (thời gian đó nước Đức đang xâm chiếm nước Pháp - 1942).
Xem lại những thước phim, những hình ảnh tôi suy ngẫm nếu như không có những trang lịch sử đó thì chẳng bao giờ có được nước Pháp ngày hôm nay và cũng chẳng có cuộc thi Nước Pháp tôi yêu để tôi được trải lòng với những kỷ niệm đằm thắm với nước Pháp.
Đi ngược lại thời gian để ôm ấp nước Pháp vào lòng, tôi nhớ lại qua truyện kể ngày nào năm 1927 cảng Marseille đã đón người cha của tôi sang Pháp lập nghiệp khi ông mới 20 tuổi. Marseille một thành phố cảng nổi tiếng của nước Pháp cũng như thế giới, thành phố lớn thứ hai của nước Pháp nằm bên bờ Địa Trung Hải. Đi từ Paris tới Marsielle bằng TGV (tàu cao tốc) chỉ hết có 3 tiếng đồng hồ với quãng đường dài hơn 1000 km.
Cũng với TGV tôi còn được thưởng thức cảm giác tuyệt vời trong chuyến đi hai tiếng đồng hồ với quãng đường hơn 600 km từ Bordeaux về Paris, từ vùng rượu vang lừng danh thiên hạ tới kinh đô rực màu ánh sáng. Một Paris với những điệu nhảy French-cancan tại rạp Lido trên đại lộ Champs-Élysées hay chương trình ca vũ nhạc tại rạp Mouline Rouge (Cối xay gió đỏ ). Có tên gọi này là bởi trên nóc của rạp có một nhà máy xay gió nhỏ làm biểu tượng.
Chắc hẳn những người hâm mộ điện ảnh đều đã xem qua bộ Phim Mouline Rouge (của Mỹ)đã công chiếu tại Việt Nam. Văn hóa Pháp là như thế, nó để lại trong lòng người thưởng thức một chất Pháp không thể pha trộn cũng như âm nhạc Pháp với những giọng ca bất hủ để đời mà không một người yêu nhạc Pháp nào mà không biết, ví như Dalida, Mireille Mathieu, Charle Aznavour, Sylvie Vartan, Francoise Hardy, âm nhạc với giai điệu mà ở VN ngày nay gọi là giòng nhạc Pháp.
Bến cảng cổ. Thành phố Marseille |
Nói đến Paris không thể không nói đến những đường cống ngầm mà trong cuốn tiểu thuyết Những người khốn khổ (Les Misérables) của Victor Hugo đã nhắc tới. Hệ thống cống ngầm đó năm 1878 dài 600 km, nay đạt tới trên 3000 km.
Cũng còn đó một thành phố Toulouse với dòng sông Garonne lớn nhất nước Pháp nơi cha tôi đã sinh sống lao động và tích lũy rồi về Paris cưới một người phụ nữ Pháp làm người vợ đầu tiên để giờ này đây tôi đang có những người Pháp mang trong mình dòng máu Việt Nam là anh em con cháu ruột thịt với tôi.
Nhìn lại tấm hình cũ của mình (11-1992) đứng trước Khải Hoàn Môn, một công trình kiến trúc nổi tiếng, lòng tôi rạo rực tình yêu với nước Pháp biết bao nhiêu. Nhân năm hữu nghị Việt - Pháp, để kết thúc bài viết, xin được nói lên rằng Viva La France.
Phước Lăng