Ở Pháp trẻ từ 6 tuổi đến 16 tuổi bắt buộc phải đi học. Đặc biệt học phí được nhà nước chu cấp, chỉ phải đóng hội phí hội phụ huynh học sinh để mua sách vở và dụng cụ học tập khoảng 70 euro/năm (2 triệu VND). Còn việc quản lý giao cho chính quyền địa phương.
Bảng hệ thống các cấp lớp THPT tại Pháp theo độ tuổi. Ảnh tác giả cung cấp |
Theo như những gì các bạn Pháp kể tôi nghe, tôi cũng thấy có vài điểm giống với Việt Nam nhưng bằng tốt nghiệp phổ thông baccalauréat BAC có nhiều loại hơn Việt Nam, như BAC Pro, BAC Tech, và BAC General, ngoài ra còn bằng CAPA dành riêng cho các em muốn học ngành nông nghiệp, đào tạo ra những nông dân tương lai nắm kỹ thuật canh tác, biết áp dụng máy móc nông nghiệp.
Quay trở lại với chủ đề, tại sao lại nói giáo dục Pháp định hướng tốt cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường bậc trung học phổ thông. Tại sao lại có nhiều loại bằng tốt nghiệp THPT Baccalauréat (BAC) hơn Việt Nam?
Như hình trên, Pháp có 3 loại bằng tốt nghiệp phổ thông khác nhau và một loại bằng chứng chỉ nghề CAP (học 2 năm, nghĩa là đến lớp 11 có thể ra đi làm tùy vào hoàn cảnh gia đình, điều kiện tài chính)
BAC Pro có thể giúp học sinh tiếp cận học nghề để ra làm việc ngay sau khi tốt nghiệp THPT, vì trong 3 năm học cấp ba, học sinh được dạy chuyên môn rèn luyện tay nghề để trở thành một công nhân lành nghề.
BAC Tech dành cho những học sinh có học lực không quá cao, vì thế có chương trình đào tạo phù hợp để giúp các em vẫn có thể tiếp tục việc học tại các trường cao đẳng nghề để trở thành những kỹ thuật viên cao cấp.
BAC Général thì gần giống tốt nghiệp Việt Nam mình nhất, dành cho các em có ý muốn theo đuổi sự học cao hơn, dĩ nhiên là dành cho các em học lực khá giỏi. Trong loại BAC này chia ra 3 chuyên ban khác nhau : ban khoa học tự nhiên BAC Science (tương tự ban A và B ở Việt Nam), ban kinh tế xã hội BAC Economie Social (ban D) và ban văn chương BAC Littérature (ban C).
Dĩ nhiên khi thi tốt nghiệp, đề thi tốt nghiệp THPT mỗi ban đều khác nhau. Trong mỗi ban có những môn học quy định bắt buộc theo chuyên ban và không cần phải học những môn thuộc về ban khác. Vì vậy, chương trình học hoàn toàn rất nhẹ và đào sâu kiến thức cho riêng mỗi khối ban để học sinh phát huy hết khả năng theo sở thích và định hướng riêng của mỗi người.
Ví dụ như bạn học ban khoa học tự nhiên, bạn sẽ không cần phải học các môn lịch sử, Địa lý hay Văn chương. Ban kinh tế xã hội ngoài các môn cơ bản Văn, Anh, Toán, các bạn còn được môn kinh tế học, môn thức thường đời sống giúp ta có những vốn sống thực tế cực kỳ bổ ích.
Nếu có ai nói môn Văn, Sử, Địa cũng cần phải học cho khối khoa học tự nhiên để học sinh có kiến thức toàn diện hơn thì xin thưa rằng, bởi vì kiến thức căn bản các môn này đã được dạy ở cấp 2 và lên cấp 3 không cần phải học lại. Để thời gian đó tập trung các môn chuyên ban và tham gia các hoạt động xã hội ngoại khóa bổ ích khác vì lên đại học theo định hướng chuyên ban.
Hơn nữa, mỗi loại BAC có số lượng và khối lượng môn đào tạo khác nhau, đáp ứng đúng sở thích, giúp các em có hứng thú với việc học. Đây là điều tôi thích nhất ở nền giáo dục Pháp. Thật khó để trở thành học sinh giỏi khi phải học giỏi tất cả các môn. Đào tạo theo kiểu toàn diện, biết nhiều thứ nhưng không giỏi một chuyên môn riêng thì xã hội đó sẽ thừa thầy thiếu thợ. Rõ ràng nó cũng còn giúp các nhà chức trách quản lý phân lọc được học lực học sinh, định hình được cho tương lai các em và tránh cho xã hội tình trạng bất cập trên như ở nhiều nước mắc phải.
Bằng tốt nghiệp THPT - BAC Général của Pháp. Ảnh tác giả cung cấp |
Bất cập của xã hội xuất phát từ nền giáo dục mà ra. Nền giáo dục Pháp giúp học sinh có cái nhìn bao quát và sớm hơn để tự chọn con đường đi dựa vào học lực, sở thích của mình ngay từ học cấp 3 để không phải bỡ ngỡ trước ngưỡng cửa đại học. Đó là một điều hay cần học hỏi và phổ biến cho mọi người biết.
Hy vọng bài viết sẽ mang đem cho bạn cái nhìn mới hơn về nước Pháp thông qua hệ thống giáo dục con người nơi đây. Và hơn hết là rút ra được vài điều để suy ngẫm cho riêng nước mình. Hệ thống giáo dục này có nền tảng phát triển lâu đời và không thiếu các nhân tài được đào tạo từ đây, giúp nước Pháp trở thành một cường quốc thế giới, âu cũng đáng để mình tìm hiểu.