Nếu có ai hỏi tôi đất nước nào mà bạn muốn đến thăm nhất thời thơ ấu, tôi sẽ không do dự mà trả lời đó là nước Anh. Vì sao lại là nước Anh?
Đó có thể là câu nói tôi đã được học trong môn lịch sử: “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước Anh” để nói về sự thống trị của nước Anh trong quá khứ. Đó có thể là triết lý “tồn tại hay không tồn tại” trong vở kịch "Hamlet" của William Shakespeare mà tôi thường nghiền ngẫm trong những giờ học văn...
Nhưng tôi yêu nước Anh mà cụ thể là yêu những miền quê nước Anh có lẽ nhiều nhất là vì qua tác phẩm văn học như: Jene Eyro của Charlotte Bronte. Tôi còn nhớ mình đã đọc câu chuyện này đầu tiên lúc chỉ khoảng 10 tuổi. Khi cầm được quyển sách này tôi đã đọc liền một mạch từ đầu đến cuối. Trong tôi luôn luôn là cô bé Jen đi qua những cánh đồng trơ gốc rạ trong một buổi chiều mùa đông lạnh lẽo dưới bầu trời đầy mây xám vần vũ, để đi nhận một công việc gia sư tại một vùng quê của nước Anh. Chính nơi đây cô đã gặp ông Rochester, một người đàn ông đặc biệt đã làm cuộc đời cô bước sang một chương mới vô cùng hạnh phúc.
Nước Anh khi đó đối với tôi là những cánh đồng cỏ xanh tận chân trời, những ngôi nhà thờ cổ lấp ló trong màn sương, những cô gái quý tộc mặc những cái váy bồng bềnh cưỡi ngựa đi bên những chàng trai của mình như trong câu chuyện về Robinwood. Tôi đã mơ được đến nước Anh một lần để thực sự chiêm ngưỡng nhưng câu chuyện, những cảnh đẹp như trên thiên đường ấy.
Tuổi thơ và tuổi trẻ của tôi đã đi theo những biến cố của đất nước và gia đình. Tôi đã không thể nào chạm đến những mong muốn tưởng như quá xa vời, nhưng từ trong sâu thẳm trái tim, tôi vẫn hy vọng sẽ có một lần được đến đất nước xa xôi, nơi có những câu chuyện đi theo suốt tuổi thơ của mình.
Nhưng rồi năm 2014, tôi đã đến được nước Anh nhờ một phần vào sự nỗ lực của con trai tôi. Cháu là một đứa bé sống nội tâm và khép kín, không giống tôi về tinh thần hướng ngoại nhưng cũng yêu thích những tác phẩm văn học của nước Anh mà mẹ mua và chất đầy trong tủ sách. Nếu như mẹ thích những tác phẩm cổ điển mang hơi hướng lãng mạn thì con lại thích những tác phẩm cận hiện đại của Somerset Maugham hoặc những câu chuyện về Sherlock Holmes... Không biết có phải cháu thực sự muốn tìm hiểu thêm về đất nước Anh hay vì thấy mẹ thích nước Anh mà cháu đã cố gắng học giỏi đặc biệt là tiếng Anh.
Năm 15 tuổi, cháu đã được học bổng 100% học phí 2 năm cuối cấp phổ thông và 16 tuổi cháu quyết định đi du học ở nước Anh, thay vì ở Mỹ sôi động như nhiều bạn của mình dù cháu lấy được học bổng cả 2 nơi. Và thế là vì con trai nhưng cũng là để thực hiện được ước mơ thời thơ ấu tôi đã đặt chân đến Market Habourough, một thị trấn nhỏ của nước Anh, nơi có ngôi trường Brook house college đúng vào thời gian cuối năm mà cô Jen eyro đến Thornfield hall ngày ấy.
Trên đường từ sân bay về nơi cháu học bằng xe taxi, mặc dù đã rất mệt sau một chặng đường dài 12h bay, tôi vẫn cố nhìn qua cửa sổ cảnh vật 2 bên đường. Trời thì se lạnh, không khí trầm buồn vắng lặng. Những cánh đồng trơ trọi dưới ánh hoàng hôn hiu hắt, khiến tôi như nghe thấy tiếng bước chân vội vã của Jen đang băng băng chạy qua cánh đồng để đón ông Rochester. Tôi đã đến nước Anh mà không tin mình đang ở nơi ấy.
Ngôi trường con trai tôi học cũng như biết bao ngôi trường khác mà tôi đã tìm hiểu đều có một bề ngoài rất cổ xưa, trầm mặc nằm ngay trên con đường chính xuyên qua thị trấn.
Tôi đã ở một khách sạn được xếp vào loại tốt nơi này, nhưng không có thang máy, phòng ở rất nhỏ hẹp bằng gỗ dấu vết của ngày xưa để lại, đến nỗi tôi cứ tưởng tượng nếu như mặc một cái váy xoè bồng bềnh ngồi vào cái ghế sopha nơi góc phòng cạnh lò sưởi, có lẽ tôi sẽ biến thành một tiểu thư nước Anh chính hiệu.
Ở đây tôi không gặp thái độ "phớt Ăng lê" khi nói về tính cách của người Anh, mà được chỉ dẫn rất tận tình nếu tôi có vấn đề cần trợ giúp.
Thị trấn này chỉ có một con đường chính xuyên qua những địa điểm chính như nhà thờ, các cửa hiệu, bến xe bus, trụ sở cơ quan, ngân hàng… Tôi đã đi dạo không biết bao nhiêu lần trên con đường ấy để ngắm những ngôi nhà cổ, những bông hoa đầy màu sắc, những con đường đầy lá vàng rơi sau ngôi biệt thự nhuốm màu thời gian...
Tôi đã ngồi hàng giờ trên một cái ghế gỗ bên đường để ngắm hàng liễu rũ bên dòng kênh chạy ngang thị trấn. Tôi đã đứng dưới cây dẻ (mà lần đầu tiên tôi thấy) để nhìn những chú sóc con nhằn những hạt dẻ rơi đầy gốc, thỉnh thoảng có vài con chim đậu trên dây ăngten trông như những nốt nhạc của một bản tình ca. Tôi cũng được tham dự một lễ hội vừa mang tính hiện đại vừa truyền thống. Nơi đây họ không chào nhau, không cười nói ồn ào, không hét la xô đẩy, không có tiếng còi xe... như những nơi khác. Cuộc sống có vẻ lặng lẽ nhưng không hề buồn não nề, mặc dù những ngày tôi ở đó bầu trời vẫn đầy mây xám, sương mù vẫn che phủ thị trấn vào sáng sớm, trời vẫn se se lạnh thỉnh thoảng có mưa lắc rắc... Chính khí hậu ôn đới đã làm cho thiên nhiên ở đây trở nên tuyệt vời.
Một tuần với thị trấn nhỏ đã làm tôi yêu mến nơi này hơn tất cả thành phố lớn khác của nước Anh mà tôi đã đi sau đó.
Con trai tôi đã vào nhập học và được xếp vào phòng số 10 ký túc xá Leicester St. Tôi đã nói với cháu hy vọng con có thể học thật giỏi để được đến diện kiến với thủ tướng Anh tại số 10 Downing St.
Hôm qua là kỷ niệm đúng một năm tôi tạm biệt nơi đó. Rất may thời đại công nghệ thông tin đã cho phép tôi quay trở lại những nơi mình đi qua bằng Google map. Qua màn ảnh, tôi đã nhìn thấy từng gốc cây, từng cửa hàng, từng cây dẻ quanh nhà thờ, thâm chí tôi còn có thể như bước vào bảo tàng lịch sử của thị trấn để ngắm nhìn cô người mẫu cách đây hàng trăm năm.
Thường từ câu chuyện bước ra người ta dễ thất vọng khi nhìn thực tế, nhưng tôi đã không ở trường hợp đó. Tôi vẫn yêu mến nước Anh trong tác phẩm của Jene Eyro như yêu mến thị trấn Harborough Market này và tôi rất mong mình sẽ có dịp trở lại nơi ấy không phải qua Google.
Ngô Lê Diệu Trinh