Trao đổi với VnExpress, bà Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) nhận định việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam sẽ giúp "bình thường hóa hơn nữa" quan hệ Việt - Mỹ.
"Hợp tác quân sự song phương giữa hai nước đang tiến triển dần trong những năm gần đây và xu hướng đó có thể sẽ tiếp diễn", bà Glaser cho biết.
Chuyên gia CSIS cho rằng Việt Nam sẽ không mua các vũ khí đắt tiền của Mỹ, ít nhất trong tương lai gần. "Hiện Việt Nam vẫn đầu tư chủ yếu vào vũ khí từ Nga", bà nói. "Các khí tài mà Việt Nam nhiều khả năng mua từ Mỹ sẽ là loại có thể giúp tăng năng lực bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, chẳng hạn máy bay giám sát P-3", bà Glaser nhận định.
Theo bà Glaser, Trung Quốc có thể coi quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm của Mỹ là một bằng chứng nữa cho thấy Washington tăng hợp tác với các nước láng giềng của Bắc Kinh.
Tuy nhiên Trung Quốc cũng có thể nhận ra rằng diễn tiến này là kết quả các hành động của họ thời gian gần đây trên Biển Đông, và thấy là "họ đã quá tay".
"Nếu được như vậy, triển vọng quản lý tranh chấp lãnh hải một cách hòa bình giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ tốt lên", bà Glaser viết
Tàu USS John S. McCain (DDG 56) cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, năm 2010. Ảnh: Chiêu Anh.
Giữa tháng 8, khi tới thăm Việt Nam, Đại tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết khi lệnh cấm bán vũ khí được dỡ bỏ Washington sẽ tăng hỗ trợ để nâng cao năng lực hải quân cho phía Việt Nam về hàng hải - một lĩnh vực đang trở thành mối quan tâm chung của hai nước.
Trong phiên thảo luận sau bài phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ngày 1/10, ông Scot Marciel, phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nói những thỏa thuận gần đây đã giúp hỗ trợ nhân đạo cho Việt Nam, nhưng hợp tác quân sự còn “hơi chậm”.
Jon Grevatt, phụ trách về mảng công nghiệp quốc phòng ở châu Á - Thái Bình Dương của tạp chí quốc phòng IHS Jane's, đánh giá việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam không có nghĩa là Washington ngay lập tức bán các vũ khí tiên tiến cho Hà Nội.
"Bước đầu tiên sẽ là các hệ thống trên biển, không phải các hệ thống tấn công. Chúng tôi không thấy có khả năng Mỹ sẽ bán loại chiến đấu cơ F-16 cho Việt Nam, điều đó có thể không bao giờ xảy ra", Grevatt nói.
Máy bay giám sát trên biển P-3 Orion (không đem theo vũ khí) và hệ thống radar Raytheon từng được các quan chức Mỹ thạo tin đề cập khi nói đến giao dịch tương lai với Việt Nam. Các sản phẩm này được coi là "tốt nhất trên thế giới", Grevatt nói.
Ankit Panda, cây bút của The Diplomat, đánh giá việc Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm cho Việt Nam sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về tăng cường hơn nữa quan hệ song phương giữa hai nước. Việc Việt Nam tăng cường năng lực tuần tra và giám sát các vùng biển sẽ giúp duy trì nguyên trạng ở khu vực phù hợp với lợi ích của nhiều bên.
Trao đổi với VnExpress, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và Phát triển quan hệ quốc tế, cho rằng việc Mỹ bỏ lệnh cấm với Việt Nam là lợi lích lâu dài của hai nước, phù hợp với tiến trình bình thường hóa hoàn toàn giữa Việt Nam và Mỹ.
Việt Nam cũng sẽ tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đây không chỉ là quan hệ hợp tác kinh tế thương mại đơn thuần. "Con đường tất yếu của hai nước là sẽ bình thường hóa quan hệ về an ninh", ông Trường nói thêm.
Năm ngoái, Việt Nam và Mỹ nhất trí nâng quan hệ lên đối tác toàn diện. Về an ninh, quốc phòng, hai nước ký Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương vào tháng 9/2011. Nhiều tàu chiến Mỹ đã cập cảng Việt Nam như một phần trong hợp tác quân sự, trong đó có các khu trục hạm USS John S. McCain, soái hạm của Hạm đội 7 USS Blue Ridge. Cuộc diễn tập tìm kiếm cứu nạn ngoài khơi bờ biển Đà Nẵng hồi tháng 4 năm ngoái đánh dấu lần đầu tiên hải quân hai nước cùng diễn tập.
"Quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam và Mỹ diễn ra dần dần, và đang ở một trong những khâu cuối cùng, tức là hợp tác quốc phòng, an ninh", ông Trường nhận xét.
Việt Anh