Vào dịp Tết Nguyên đán, tại thủ đô Bắc Kinh, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã khẳng định với một nhóm chuyên gia nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, năng lượng và bảo vệ môi trường rằng chính phủ Trung Quốc muốn chào đón nhiều nhân tài từ bên ngoài hơn nữa.
Nỗ lực thu hút nhân tài ngành công nghệ cao trở nên đặc biệt quan trọng khi Trung Quốc tập trung vào khả năng tự cung tự cấp nhằm đối phó với các hạn chế nhập khẩu công nghệ từ Mỹ.
![Kỹ thuật viên kiểm tra sản phẩm tại nhà máy robot Chuanze ở thành phố Trương Dịch, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, hồi tháng 4/2021. Ảnh: AFP.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/03/02/CHINA-TECH-US-jpeg-2060-1677750547.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oJa-7kjguTzRycxtxrhegg)
Kỹ thuật viên kiểm tra sản phẩm tại nhà máy robot Chuanze ở thành phố Trương Dịch, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc, hồi tháng 4/2021. Ảnh: AFP.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Lý cũng cam kết đảm bảo dịch vụ và phúc lợi cho các chuyên gia nước ngoài ở Trung Quốc ngang bằng với công dân nước này, theo Xinhua. "Trung Quốc sẵn sàng học hỏi công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý, tiếp tục hợp tác quốc tế sâu rộng với các nước khác, đối phó với những thách thức chung mà cộng đồng quốc tế phải đương đầu và bảo vệ hòa bình, ổn định, phát triển cũng như thịnh vượng của thế giới", ông tuyên bố.
Chính quyền Thượng Hải, trung tâm tài chính quốc tế của Trung Quốc, tháng trước tung ra các biện pháp mới nhằm lôi kéo nhân tài, trong đó có hỗ trợ tài chính và trợ cấp cho các dự án, như một phần của chương trình tuyển dụng nhằm thu hút khoảng 2.000 người nước ngoài có chuyên môn cao vào năm 2025.
Thành phố muốn các tài năng nước ngoài hỗ trợ phát triển những ngành công nghiệp then chốt như trí tuệ nhân tạo, y học sinh học và mạch tích hợp, cũng như các lĩnh vực đang phát triển nhanh như thế giới ảo (metaverse) hay năng lượng xanh.
Yasheng Huang, giáo sư kinh tế và quản lý toàn cầu tại Trường Quản lý Sloan thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), cho hay Trung Quốc có lợi thế lớn trong việc hỗ trợ nghiên cứu và phát triển khoa học hiện đại.
"Khoa học hiện đại cực kỳ tốn kém, đòi hỏi nhiều kinh phí và nhân lực", ông nhận xét. "So với các quốc gia khác có mức thu nhập tương tự, Trung Quốc chi nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển".
"Các nhà khoa học cần rất nhiều hỗ trợ, như phải có nhiều trợ lý nghiên cứu để vận hành phòng thí nghiệm", Huang nói thêm. "Trung Quốc có lợi thế ở khía cạnh này. Nhưng tôi thấy rằng Mỹ cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào khoa học, công nghệ và do đó lợi thế của Trung Quốc sẽ giảm đi".
Trung Quốc có hệ thống nhập cư nghiêm ngặt và kiểm soát chặt chẽ thị thực lao động, nhưng lại sẵn sàng cung cấp thị thực dài hạn, nhanh chóng cho các "tài năng vượt trội", trong đó có những nhân sự nước ngoài chuyên về các lĩnh vực như khoa học, nghệ thuật, âm nhạc và thể thao, giới quan sát đánh giá.
Theo một học giả đến từ châu Âu, Trung Quốc cũng đã tăng cường tài trợ những lĩnh vực mà Mỹ và châu Âu có xu hướng muốn cắt giảm. Ông cho biết họ hoàn toàn đủ khả năng cấp kinh phí cho lĩnh vực nghiên cứu của ông và đề nghị một mức lương hậu hĩnh, trái ngược với các tổ chức giáo dục đại học phương Tây.
Amanda Lee, bình luận viên của SCMP, cho rằng chính sách thu hút nhân tài này có thể khôi phục lòng tin của các doanh nhân, nhà đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực tái mở cửa kinh tế sau khi nới lỏng chính sách "Không Covid".
Jonathan Edwards, giám đốc điều hành công ty tuyển dụng toàn cầu Antal, trụ sở tại Thượng Hải, cho biết một số người nước ngoài đã tìm cơ hội ở bên ngoài trong ba năm qua, khi Trung Quốc đóng cửa biên giới ngăn đại dịch. Theo ông, chính sách thu hút nhân tài mới của Trung Quốc có thể là yếu tố lôi kéo họ trở lại, dù họ sẽ thận trọng chờ đợi những bước đi cụ thể hơn của nước này.
Một học giả châu Âu giấu tên đang làm việc ở Trung Quốc cho biết một rào cản với những người nước ngoài là khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, cũng như một số bất cập trong thủ tục hành chính ở các chính quyền địa phương. Dù vậy, ông đánh giá cơ hội ở Trung Quốc vẫn lớn hơn nhiều so với triển vọng việc làm hạn chế ở quê nhà.
"Tôi cảm thấy hoàn toàn an toàn dù đi đâu, làm gì, vào bất cứ thời điểm nào trong ngày ở Trung Quốc... Mọi thứ đều rất thuận tiện và hiện đại hơn so với quê hương tôi", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)