Tại bãi rác ở thị trấn biên giới Pacaraima, bang Roraima phía bắc Brazil, những người di cư Venezuela đang đào bới tìm kiếm kim loại, nhựa, bìa cứng và thức ăn, xung quanh là lũ kền kền đậu trên cây chờ đến lượt.
"Tôi đã bỏ đi vì đói. Chúng tôi đang cố gắng để thoát khỏi bãi rác này. Hàng đêm tôi cầu Chúa hãy đưa tôi ra khỏi đây", Rosemary Tovar, bà mẹ trẻ 23 tuổi đến từ Caracas nói.
Hàng chục nghìn người Venezuela rời bỏ quê hương đang đổ xô tới thị trấn biên giới duy nhất với Brazil, khiến cho dịch vụ công ở bang Roraima quá tải và làm gia tăng căng thẳng. Theo lời thị trưởng Tereza Surita của Boa Vista, hơn 40.000 người Venezuela đã khiến dân số thành phố tăng 11%.
Làn sóng di cư từ Venezuela cũng là vấn đề đau đầu đối với chính phủ của tân tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, người đang chống lại sức ép của Mỹ khi buộc Brazil phải có thái độ mạnh mẽ hơn với chính quyền Tổng thống Maduro.
Xe đổ rác tới bãi Pacaraima hai lần một ngày. Mỗi khi xe tới, khoảng một tá người Venezuela lao ra, tranh giành những túi rác vừa được đổ xuống. Đôi khi họ còn đội mũ gắn đèn, nhặt rác vào ban đêm.
"Chúng tôi kiếm đồng và vỏ lon, rồi hi vọng thấy thứ gì đó có giá trị, thậm chí thức ăn. Mục tiêu của tôi là ra khỏi đây. Chẳng ai muốn dành cả đời sống trong rác rưởi cả", Astrid Prado, một phụ nữ đang mang thai 8 tháng nói.
Còn Charly Sanchez, 42 tuổi, đến Brazil một năm trước nhưng không đủ tiền tới Boa Vista, thủ phủ của bang Roraima để kiếm việc làm.
"Chúng tôi sống nhờ bãi rác này. Chúng tôi kiếm đủ để mua gạo, có thể một ít xúc xích, nhưng không đủ tiền mua một vé đến Boa Vista", cô cho hay.
Trong những thứ kiếm được từ đống rác, đồng được giá hơn cả, được trả 3,3 USD/kg. Nhưng Sanchez phải mất cả tuần để kiếm được một kg đồng. Anh kể có hôm may mắn còn nhặt được một chiếc điện thoại vứt đi hay kiếm được một ít mì ống thừa, một lọ đường nhỏ hoặc chút dầu ăn đủ để lót dạ.
Samuel Esteban bịt khẩu trang kín mít và đang nhét những tấm bìa các-tông nhặt được vào một bao tải lớn. Anh nói 50 kg bìa bán được khoảng 1,29 USD, bằng 1/3 mức lương tối thiểu hàng tháng ở Venezuela, sẽ mua được một lít sữa và một ít bánh mì ở Brazil.
Venezuela đang đối mặt khủng hoảng kinh tế, lương thực trầm trọng. Theo Ngân hàng Thế giới, khoảng 3,7 triệu người Venezuela đã rời bỏ quê hương trong những năm gần đây, chủ yếu di cư sang nước láng giềng Colombia tìm việc làm.
Khủng hoảng chính trị ở quốc gia này cũng leo thang, khi lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido tự nhận là tổng thống lâm thời hồi tháng một và được 50 quốc gia công nhận, trong đó có Mỹ. Mỹ cũng liên tục gây sức ép lên chính quyền Tổng thống Maduro bằng cách thực hiện hàng loạt biện pháp trừng phạt và cấm vận.
Tổng thống Maduro cáo buộc Mỹ khủng bố kinh tế và các lệnh trừng phạt do Washington áp đặt là nguyên nhân gây ra khủng hoảng và chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể dùng viện trợ để biện minh cho can thiệp nội bộ Venezuela. Ông Maduro vẫn giữ vững quyền lực nhờ sự hậu thuẫn của quân đội và sự ủng hộ của Trung Quốc, Nga, Cuba và một số quốc gia khác. Bắc Kinh kêu gọi các lực lượng chính trị tại Venezuela ngồi vào bàn đàm phán, còn Moskva đề nghị Mỹ ngừng đe dọa, cô lập kinh tế và đẩy Venezuela vào nội chiến.
Mai Lâm (Theo Reuters)