Ruslan Zinin, 25 tuổi, ngày 26/9 gây hoảng loạn tại văn phòng tuyển quân ở thị trấn Ust-Ilimsk thuộc tỉnh Irkutsk, miền nam Nga, khi nổ súng bắn trọng thương sĩ quan phụ trách. Đây là vụ nổ súng đầu tiên liên quan đến hoạt động tuyển quân của Nga, kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát lệnh động viên một phần, huy động khoảng 300.000 quân nhân dự bị nhập ngũ.
Lệnh động viên được ban bố ngày 21/9, được coi là một nỗ lực của Moskva nhằm bổ sung quân số cho chiến dịch quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, quá trình thực hiện lệnh gọi nhập ngũ những ngày sau đó đã bộc lộ nhiều bất cập gây tranh cãi và bất bình trong xã hội Nga.
Tại Sakha, nước cộng hòa trực thuộc liên bang Nga ở vùng Viễn Đông, giới chức địa phương ghi nhận nhiều trường hợp không thuộc diện nhập ngũ theo lệnh động viên vẫn nhận được giấy gọi. Cơ quan phụ trách cho biết đã có nhầm lẫn trong triển khai lệnh gọi nhập ngũ đối với quân nhân dự bị.
"Mọi trường hợp bị gọi nhầm phải được trở về nhà. Cơ quan phụ trách đang tiến hành điều chỉnh", Aisen Nikolaev, lãnh đạo Cộng hòa Sakha, thông báo trên Telegram sau cuộc họp về sắc lệnh động viên quân của Tổng thống Putin.
Do các bước triển khai thiếu nhất quán từ trung ương đến địa phương, kể từ khi sắc lệnh được triển khai từ ngày 21/9, Bộ Quốc phòng Nga cùng các cơ quan liên quan gần như mỗi ngày lại ra một thông tư mới nhằm làm rõ các trường hợp thuộc diện tòng quân, công dân nào được miễn nhập ngũ, tăng kiểm soát biên giới để ngăn công dân trong diện động viên ra nước ngoài.
Những trục trặc trong quá trình thực thi lệnh động viên đã gây nhiều xáo trộn trong dư luận Nga, khi cả những người ủng hộ Điện Kremlin cũng lên tiếng chỉ trích.
"Thông báo cho biết độ tuổi tuyển quân có thể tới 35, nhưng lệnh triệu tập bây giờ đang áp dụng cho những người 40 tuổi. Họ đang khiến mọi người phẫn nộ, như thể đó là hành động cố tình, bất chấp", Tổng biên tập RT Margarita Simonyan, một trong những người ủng hộ nhiệt thành của Điện Kremlin, đăng trên Telegram cuối tuần qua.
Đã xuất hiện hàng loạt thông tin về việc nhiều người đàn ông không có kinh nghiệm quân sự hoặc quá tuổi nhập ngũ cũng nhận được giấy triệu tập, dẫn tới các cuộc biểu tình nổ ra.
Ngày 25/9, hai lãnh đạo quốc hội Nga thừa nhận quá trình động viên lực lượng dự bị đang tồn tại hàng loạt sai sót, trong đó có nhiều trường hợp gọi nhập ngũ nhầm. Họ đề nghị quân đội Nga nhanh chóng chấn chỉnh bộ máy tuyển quân và triển khai lệnh động viên theo đúng quy định pháp luật.
"Những sai lầm nghiêm trọng này là không thể chấp nhận được. Theo cá nhân tôi, phản ứng gay gắt từ người dân thời gian qua đối với cách làm việc hiện nay là hoàn toàn hợp lý", Valentina Matviyenko, chủ tịch Hội đồng Liên bang (tức Thượng viện Nga), nhận định.
Matviyenko cho rằng trách nhiệm triển khai lệnh động viên cần được trao hoàn toàn cho các tỉnh trưởng, lãnh đạo những nước cộng hòa thuộc Nga và quá trình thực hiện cần tuân thủ "sát với các tiêu chí đã được công bố". Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) Vyachesslav Volodin cũng nhấn mạnh mọi lệnh gọi nhập ngũ nhầm lẫn cần được sửa sai ngay.
Giới quan sát quân sự Nga nhận định nỗ lực tuyển quân trên phạm vi toàn quốc đang tạo áp lực không nhỏ cho hệ thống quản lý hậu cần của quân đội Nga, trong đó có công tác chuyển quân và đảm bảo trang bị ở hậu phương lẫn tiền tuyến.
Trong nỗ lực đảm bảo công tác động viên lực lượng diễn ra hiệu quả và trật tự, Bộ Quốc phòng Nga đã loại tướng Dmitry Bulgakov, 67 tuổi, khỏi vị trí thứ trưởng chuyên trách công tác hậu cần cho quân đội. Nhiệm vụ này được trao lại cho thượng tướng Mikhail Mizintsev, 60 tuổi.
Tướng Mizintsev là cựu giám đốc Trung tâm Quản lý Quốc phòng Nga, am hiểu hơn người tiền nhiệm về tổ chức hậu cần hiện đại, khi từng được giao nhiệm vụ điều phối hợp tác giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao về giải quyết vấn đề người tị nạn Syria.
Ông cũng có những hiểu biết nhất định về thực tế chiến trường Ukraine khi từng chịu trách nhiệm chỉ huy chiến dịch bao vây Mariupol, thành phố cảng cuối cùng của quân đội Ukraine trong địa phận tỉnh Donetsk.
Moskva cũng siết chặt quản lý lực lượng dự bị, giảm tình trạng công dân trong diện nhập ngũ né tránh lệnh gọi. Tổng thống Putin ngày 24/9 ký một số sắc lệnh điều chỉnh Luật Hình sự, tăng mức phạt đối với mọi trường hợp trốn nghĩa vụ trong bối cảnh áp dụng lệnh động viên một phần, lệnh tổng động viên, thiết quân luật hoặc thời chiến.
Theo quy định mới, công dân Nga trốn nhập ngũ hoặc không trình diện theo yêu cầu có thể bị phạt tù tối đa 10 năm. Quân nhân đầu hàng, trộm cắp trong giai đoạn thiết quân luật, thời chiến, khi có xung đột vũ trang hoặc lúc tác chiến cũng sẽ bị quy trách nhiệm hình sự.
Nhiều người Nga đã tìm cách rời khỏi đất nước sau khi chính phủ phát lệnh động viên quân. Hơn 8.500 người Nga sang Phần Lan hôm 24/9 bằng đường bộ, tăng khoảng 62% so với một tuần trước.
Trong phiên thảo luận tại Liên Hợp Quốc cuối tuần qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov lý giải tình trạng công dân xuất ngoại nhiều đột biến đơn giản "vì ở Nga mọi người có quyền tự do đi lại".
Giới quan sát nhận định những bất cập trong giai đoạn đầu triển khai lệnh động viên tại Nga một phần do cách diễn đạt mơ hồ trong sắc lệnh ban đầu. Trên lý thuyết, quân đội Nga xem hàng triệu lính nghĩa vụ đã xuất ngũ cũng là quân nhân dự bị.
Dù sắc lệnh của ông Putin nhấn mạnh quân đội sẽ ưu tiên chọn cựu quân nhân chuyên nghiệp và người có kinh nghiệm tác chiến, khái niệm "lực lượng dự bị" khiến giới chuyên gia ước tính Bộ Quốc phòng Nga có thể huy động được nhiều quân hơn so với mục tiêu đề ra. Ngoài ra, con số 300.000 quân động viên là số lượng huy động tham gia tác chiến, còn số công dân được gọi trình diện và huấn luyện không được đề cập rõ.
Truyền thông Nga những ngày qua đã đưa tin nhiều trường hợp công dân không có kinh nghiệm quân sự và quá tuổi nhập ngũ vẫn nhận được giấy gọi trình diện. Tỉnh trưởng Buryatia, vùng tiếp giáp Mông Cổ và có nhiều công dân Nga gốc Mông Cổ đang sinh sống, xác nhận một số người đã được gọi nhập ngũ dù chưa từng tòng quân hay sức khỏe không đạt yêu cầu.
Valery Fadeyev, chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Nga, cơ quan trực thuộc Điện Kremlin, đã viết thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu, đề nghị "khẩn cấp giải quyết" những bất cập nảy sinh trong quá trình triển khai lệnh động viên.
Ông công khai chỉ trích các đơn vị thực thi sắc lệnh đang không tuân thủ đúng tiêu chí về các trường hợp được miễn gọi nhập ngũ. Ông chỉ ra rằng một số nam giới làm y tá hoặc hộ sinh và không có kinh nghiệm quân ngũ đã bị buộc nhập ngũ.
"Một số cán bộ tuyển quân gõ cửa nhà dân lúc 2h sáng, yêu cầu họ trình diện, như thể họ nghĩ ai cũng là kẻ trốn quân dịch", Fadeyev viết, đồng thời đề nghị chấn chỉnh hệ thống để tránh sai sót tiếp diễn và gây bất an trong xã hội.
Thanh Danh (Theo CNN, TASS, Al Jazeera)