Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno hôm nay nói với phóng viên rằng Tokyo sẽ đóng băng tài sản của "các tổ chức và cá nhân tham gia quá trình phát triển hạt nhân và tên lửa" của Triều Tiên. Theo đó, 4 công ty Nga bị cáo buộc liên quan chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng và 9 cá nhân tại Triều Tiên bị nhắm mục tiêu trong lệnh trừng phạt mới.
Theo ông Matsuno, biện pháp được thông qua tại cuộc họp nội các sáng nay và có hiệu lực cùng ngày, là một phần trong nỗ lực của Nhật nhằm giải quyết toàn diện các vấn đề liên quan Triều Tiên.
Nhật trước đó đã áp lệnh cấm thương mại và tàu thuyền cập cảng như một phần trong loạt lệnh trừng phạt đơn phương nhằm vào Triều Tiên vì chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này.
"Nhật Bản kêu gọi Triều Tiên thực hiện các hành động cụ thể để giải quyết vấn đề, bao gồm chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa, cũng như các vụ bắt cóc công dân Nhật Bản trong quá khứ", ông Matsuno nói.
Nhật Bản cáo buộc điệp viên Triều Tiên bắt cóc 17 công dân nước này trong giai đoạn 1977-1983, được cho là để về dạy tiếng Nhật cho các học viên trường tình báo. Tuy nhiên Bình Nhưỡng chỉ chính thức thừa nhận bắt cóc 13 người và đã cho phép 5 người trở về đoàn tụ với gia đình năm 2002, 8 người khác đã chết, 4 người còn lại chưa từng bước chân vào Triều Tiên.
Đề cập đến các biện pháp trừng phạt mới với Triều Tiên tại một phiên họp của Hạ viện, Thủ tướng Nhật Fumio Kishida nói Tokyo "sẽ tiếp tục làm mọi thứ để thu thập thông tin và giám sát tình hình, đồng thời đảm bảo hòa bình và an ninh của đất nước".
Động thái của Nhật diễn ra sau khi Mỹ kêu gọi áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn với Triều Tiên vì vụ thử nghiệm vũ khí gần đây. Washington hôm 24/3 đã áp trừng phạt hai công ty Nga và một thực thể Triều Tiên vì cáo buộc chuyển giao các mặt hàng nhạy cảm cho chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.
Lệnh trừng phạt của Mỹ được đưa ra cùng ngày Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới Hwasong-17 từ sân bay Bình Nhưỡng, dưới sự giám sát của Chủ tịch Kim Jong-un. Đây có thể là vụ thử ICBM lớn nhất từ trước đến nay của Triều Tiên và là lần đầu Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa xuyên lục địa kể từ năm 2017.
Tuy nhiên, Mỹ và Hàn Quốc cho rằng tên lửa được thử nghiệm thực chất là Hwasong-15, một ICBM mà Bình Nhưỡng đã phóng thử vào năm 2017. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng vụ thử nghiệm mới cho thấy tiến triển đáng kể trong chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên.
Huyền Lê (Theo AFP, Kyodo News)