Greta Thunberg hôm 23/9 có mặt tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động Khí hậu và có bài phát biểu chỉ trích gay gắt các lãnh đạo thế giới vì không ngăn chặn cuộc khủng hoảng môi trường. "Các ngài đã đánh cắp ước mơ và tuổi thơ của chúng cháu bằng những ngôn từ sáo rỗng", cô bé 16 tuổi nói. "Tuy nhiên, cháu là một trong những người may mắn. Mọi người đang chịu đau khổ, mọi người đang chết", Thunberg nói trước các đại biểu tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Bài phát biểu của cô bé Thụy Điển thu hút tới 44 triệu lượt xem và khoảng 4.000 bình luận trên một ứng dụng mạng xã hội phổ biến ở Trung Quốc, tính đến sáng 24/9. Trong đó, hầu hết các bình luận đều phản bác quan điểm của nhà hoạt động môi trường nhí này.
"Cô bé là một cô gái đáng thương bị điều khiển bởi suy nghĩ của những người cánh tả da trắng và bản thân cô bé cũng không biết điều đó", một người dùng mạng xã hội Trung Quốc bình luận.
"Những gì cô bé này làm chỉ là đang nói thôi mà. Cô bé bắt đầu biểu tình từ năm 14 tuổi. Vậy cô bé có bao nhiêu kiến thức? Không có nhiều kiến thức trong đầu, làm thế nào để cô bé có thể đề xuất các giải pháp để đối phó với các vấn đề môi trường. Tôi nghĩ vấn đề của em gái này là cô bé học quá ít và nghĩ quá nhiều", một người dùng khác viết.
Một người dùng mạng xã hội khác lại bày tỏ quan điểm về sự bức thiết của việc phát triển kinh tế ở các quốc gia để phản đối Thunberg. "Nếu nền kinh tế không tăng trưởng, người dân sống ở các nước đang phát triển sẽ ăn gì?", người này nói.
"Cô bé này chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn thôi. Tôi muốn nói với cô ấy rằng đừng nói nữa, hãy hành động đi. Ở phía tây Trung Quốc, nhiều người đang trồng cây để cứu hành tinh này. Họ xứng đáng nhận giải Nobel hơn cô", một người dùng viết.
Xiong Bingqi, phó giám đốc Viện nghiên cứu giáo dục thế kỷ 21 tại Bắc Kinh cho hay các trường tiểu học và trung học tại Trung Quốc cũng đang dạy học sinh về "sống xanh" và cắt giảm khí thải carbon, nhưng học sinh tham gia vào các vấn đề này thông qua các hoạt động giao tiếp và đề xuất chứ không phải biểu tình. Ông Xiong đánh giá cách mà Thunberg thể hiện là "cực đoan" và không nên được ứng dụng ở Trung Quốc.
Bên cạnh đó, không ít người tỏ ra đồng tình với Thunberg và những gì cô bé đã làm. "Tôi đã xem cô bé này, những bài phát biểu của cô ấy và những lời nói đã chạm đến hàng triệu người, trong đó có tôi. Tôi ngưỡng mộ cô ấy vì đã quan tâm đến vấn đề toàn cầu này khi còn trẻ tuổi như vậy", một người dùng mạng xã hội viết.
Zhang Boju, thư ký của tổ chức phi chính phủ "Những người bạn của thiên nhiên" có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng Thunberg đang bày tỏ sự cấp bách mà thế hệ trẻ như em cảm thấy cần thiết để bảo vệ trái đất, rằng chúng ta đang vay mượn từ những thế hệ tương lai với việc khai thác tài nguyên của hành tinh như hiện nay.
Thunberg hôm nay giành giải Sinh kế chính đáng, giải thưởng do Jakob von Uexkull - nhà văn, chính trị gia người Đức - Thụy Điển sáng lập năm 1980, được trao hàng năm để vinh danh những người làm việc tìm kiếm các giải pháp thực tế và mẫu mực cho những thách thức cấp bách nhất đối với thế giới ngày nay.
Thunberg nổi tiếng toàn thế giới sau khi một mình cầm biểu ngữ đứng trước quốc hội Thụy Điển hồi tháng 8 năm ngoái để kêu gọi chính quyền hành động vì môi trường. Cô bé sau đó thu hút sự chú ý của giới truyền thông và truyền cảm hứng cho các học sinh tại hơn 100 thành phố khắp thế giới tổ chức các cuộc biểu tình vì môi trường.
Để đến dự cuộc họp ở Liên Hợp Quốc tại New York, Thunberg không đi máy bay vì lượng khí thải từ phương tiện này rất lớn. Cô bé sử dụng một chiếc thuyền buồm di chuyển bằng năng lượng từ các tấm pin mặt trời và turbin phát điện dưới nước để vượt Đại Tây Dương trong vòng 15 ngày.
Mai Lâm (Theo SCMP)