Chia sẻ với VnExpress, Lan Hopwood cho hay cô đến Australia năm 1974, khi mới 3 tuổi, cùng một gia đình có mẹ là người Việt Nam, cha là người Australia và con gái 8 tuổi của họ.
Suốt hàng chục năm, Lan không bao giờ được phép hỏi cha mẹ cô đã gặp nhau như thế nào hay đến Australia ra sao. Họ rất hạn chế nhắc đến chuyện quá khứ của gia đình.
"Khi còn là một đứa trẻ, tôi không hiểu từ con nuôi nghĩa là gì. Tôi chỉ cảm nhận được điều đó. Tôi không nhận ra những người xung quanh mình và tôi chỉ biết rằng tôi không thuộc về họ", cô nói trong cuộc phỏng vấn với kênh SBS Australia.
Dù mẹ là người Việt, Lan thừa nhận cô không giống bà và mối quan hệ giữa hai người cũng không dễ chịu. "Tôi chỉ cảm nhận được điều đó từ trái tim mình, rằng chúng tôi nhìn không giống nhau, tôi nói năng cũng không giống cha mẹ. Tôi khác biệt", cô nói.
Suốt hàng chục năm, Lan cứ thế sống trong những câu hỏi và nỗi cô đơn. Cô cũng gặp khó khăn khi hòa nhập với cộng đồng người Việt ở địa phương bởi không nói được tiếng Việt.
"Tôi được nuôi dạy ở Australia. Tôi nói tiếng Anh. Tôi nhìn giống người Việt nhưng những người Việt ở đây lại nói rằng tôi không giống người Việt. Tôi trở về Việt Nam và mọi người cũng nói tôi không giống người Việt nhưng mọi người ở Việt Nam họ tử tế với tôi và chấp nhận tôi", cô kể.
Đến năm 2008, Lan mới tìm ra câu trả lời cho những hoài nghi của mình khi phát hiện rằng cô không nằm trong chương trình không vận trẻ em Việt Nam (Operation Babylift) đến Australia khi chiến tranh kết thúc.
Cô đã tìm đến tổ chức Freedom Information (Tự do Thông tin) để tìm kiếm thông tin về bản thân và được biết trong hồ sơ của người mẹ hiện tại có một tờ giấy ghi rằng cô là trẻ mồ côi được nhận nuôi.
"Tôi đã khóc. Tôi khóc rất lâu vì phát hiện ra rằng tôi mất hết tất cả những gì tôi biết. Tất cả mọi thứ đều là dối trá. Tôi cảm giác rằng mình phải bắt đầu lại mọi thứ một lần nữa. Tôi phải thích nghi và suy nghĩ xem mình sẽ làm gì tiếp theo", cô nói.
Cha mẹ nuôi tỏ ra thất vọng khi biết Lan âm thầm tìm hiểu về thân thế của mình nhưng họ không hé lộ thêm điều gì. Cô đã cố gắng giải thích cho ba mẹ nuôi rằng cô mãi yêu thương họ, họ vẫn là gia đình của cô nhưng cô cần phải biết sự thật rằng mình đến từ đâu.
Lan đã về Việt Nam hai lần và thuê một thám tử tư tìm kiếm cha mẹ ruột. Tất cả thông tin mà cô biết về bản thân mình đó là tên thật Nguyễn Thị Ngọc Lan, sinh ngày 8/7/1971 tại Vũng Tàu.
Cô bị sinh non 3 tháng, từng bị chó cắn ở Sài Gòn khi mới 18 tháng tuổi và phải nằm viện 2 tuần để điều trị. Mẹ cô là người Việt còn cha cô có thể là người Việt hoặc Hàn Quốc.
Hộ chiếu dùng để sang Australia của cô do phía Việt Nam cung cấp nhưng khi tìm đến cơ quan chức năng xuất nhập cảnh Việt Nam, họ cho hay hiện không có dữ liệu trước năm 1975.
Cô từng mừng hụt vì tưởng đã tìm được gia đình khi thám tử trên cho hay mẫu ADN của cô trùng với một số người nghi là anh chị em của cô ở Việt Nam. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm cùng mẫu ADN này tại Mỹ lại cho kết quả ngược lại.
"Mỗi ngày tôi nhìn vào gương mà không biết tôi đang nhìn thấy ai. Rất khó để mọi người hiểu cảm giác của tôi. Tôi cảm thấy mình là người Việt Nam nhưng tôi không có lịch sử", người phụ nữ 45 tuổi nói. "Tôi muốn có cơ hội để xem tôi giống ba hay giống mẹ hoặc anh chị em. Ở một nơi nào đó tại Việt Nam, tôi có gia đình mà có lẽ họ cũng đang tìm kiếm tôi. Và tôi mong muốn có cơ hội được gặp họ trước khi chết".
Hiện Lan chỉ biết tiếp tục cuộc tìm kiếm bằng cách chia sẻ câu chuyện và hình ảnh của mình trên mạng xã hội, hy vọng mọi người giúp lan tỏa nó càng nhiều càng tốt. Cô hy vọng một ngày nào đó, sẽ có người nhìn vào những bức ảnh của cô và thốt lên "Cô ấy trông thật giống tôi! Cô ấy trông như chị gái của tôi! Cô ấy trông giống mẹ tôi!".
"Tôi là một đứa trẻ Việt Nam. Tôi muốn tìm hiểu văn hóa của mình và trở về quê hương, trở về với gia đình mình. Tôi muốn con cái của tôi biết gia đình của chúng, tổ tiên ông bà của chúng. Và tôi sẽ không ngừng nghỉ cho đến khi tôi tìm thấy gia đình mình", cô nói.
Anh Ngọc