Trước đó một ngày, chính phủ Pháp công bố các biện pháp nghiêm ngặt như đóng cửa quán bar, nhà hàng và rạp chiếu phim, sau khi đóng cửa trường học và cấm tụ tập đông người. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo người dân nên tuân thủ "kỷ luật" hơn, như hạn chế tiếp xúc với người khác, tránh mua sắm khi không cần thiết.
"Dịch bệnh mới chỉ bắt đầu và đang leo thang trên khắp châu Âu", Macron nói, cam kết bảo vệ sức khỏe và tài chính của người dân.
Theo bình luận viên Adam Nossiter của NY Times, thông điệp gửi tới người dân của chính phủ Pháp không che giấu, cũng không phóng đại tình hình thực tế của Covid-19. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa những lời cảnh báo và trấn an của Macron dường như không thể thay đổi thái độ thờ ơ của người dân đối với dịch bệnh.
Sau khi lệnh hạn chế đi lại được ban hành, khu chợ ngoài trời khổng lồ ở quảng trường Bastille, tọa lạc ngay trung tâm Paris, vẫn tấp nập người mua sắm và hàng quán vẫn bày đủ mặt hàng như hàu, cá, thịt, sandwich kiểu Trung Đông hay những loại nấm đắt tiền. "Tôi sẽ không tăng giá chỉ vì chủng virus này!", một người bán thịt hô lớn để thu hút khách hàng.
Bình luận viên Nossiter cho rằng nước Pháp có một "phiên bản" phong tỏa riêng biệt, khi hầu hết cửa hàng và tụ điểm giải trí đều bị đóng cửa, nhưng nhà thờ và chợ thực phẩm lại không nằm diện bị phong tỏa.
Tại quảng trường Bastille, người dân tập trung đông đảo trong những không gian hẹp giữa các quầy hàng. Họ hầu như không tuân thủ quy tắc giữ khoảng cách một mét với người khác của chính phủ nhằm ngăn nCoV lây lan. Rất ít người đeo khẩu trang.
"Ai rồi chẳng phải chết", người bán hàng tên Raymond Bouclet nhún vai. Ông bán nấm bụng dê đầu mùa tại chợ Bastille với giá gần 3 USD mỗi cây và khá đông khách, ngay cả khi vắng bóng khách du lịch. "Tôi không lo lắng về nCoV. Nó sẽ gây bệnh cho những người yếu hơn và bỏ qua phần còn lại", Bouclet nói.
Trong khi đó, vài người đặt nghi vấn về thiếu sót trong lệnh phong tỏa của chính phủ, ngay cả khi họ được hưởng lợi từ đó. "Thật kỳ lạ khi họ vẫn cho phép chợ và nhà thờ hoạt động. Điều đó có đúng không? Tôi thấy nó không nhất quán lắm", Camille Gabarra, người mua hàng ở chợ, nêu ý kiến.
Nhà thiết kế đồ họa này còn bày tỏ sự ủng hộ với các lệnh hạn chế nhằm ngăn chặn dịch bệnh. "Chúng ta phải tôn trọng những biện pháp của chính phủ", Gabarra cho hay, nói thêm rằng anh đã hủy một bữa trưa với gia đình và tất cả cuộc hẹn vào tuần tới.
Một số người khác cho rằng cần phải duy trì các khu chợ bởi chúng an toàn hơn so với những cửa hàng khép kín. "Đương nhiên tôi lo lắng một chút, nhưng cảm thấy ở ngoài trời an toàn hơn. Tôi đang cố gắng chú ý không đi vào trong các không gian công cộng kín", người mua hàng tên Laure Chouraqui chia sẻ.
Tại một tiệm bánh gần quảng trường Nation phía đông Paris, vài chục khách hàng chen chúc nhau, không tuân theo bất cứ quy tắc về khoảng cách nào. "Chúng tôi không thể sống thiếu bánh mì. Họ không thể cướp nó khỏi người Pháp", Bruno Lanterne, một thợ làm tóc 55 tuổi, cho hay.
Bất chấp tình hình dịch bệnh, cuộc bầu cử địa phương trên toàn quốc hôm 15/3 vẫn diễn ra. "Đây là nghĩa vụ của chúng tôi. Tổ tiên của chúng tôi đã đấu tranh vì quyền bỏ phiếu, nên chúng tôi phải tôn trọng nó", một cử tri 72 tuổi tên Marie-Madeleine Drillin nói.
Tại một điểm bỏ phiếu ở Paris, các cử tri xếp hàng trong sân trường học, giữ khoảng cách một mét, trong khi nhân viên tại đây đều đeo khẩu trang và găng tay cao su. Các tấm áp phích nhắc nhở người dân những quy tắc cơ bản để tránh nhiễm khuẩn, nước rửa tay cũng được đặt ở lối vào.
"Tôi chưa từng thấy bất cứ điều gì như thế này. Thật khó tin", Frederique Bach, nhân viên xã hội 33 tuổi, cho biết. "Cuộc khủng hoảng đã bị coi thường, nhưng giờ đây mọi người bắt đầu thực sự lo lắng". Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp dường như càng chứng minh lời cảnh báo của một số đối thủ chính trị với Macron, rằng quyết định không hoãn cuộc bầu cử là một sai lầm nghiêm trọng.
Chỉ một ngày sau, Pháp ghi nhận thêm 1.200 ca nhiễm nCoV, nâng tổng số người nhiễm ở nước này lên hơn 6.600, xếp thứ tư ở châu Âu. Macron cùng ngày quyết định đóng cửa hoàn toàn đất nước từ 12h ngày 17/3 để kiểm soát nCoV, đồng thời cấm tập trung đông người trên toàn lãnh thổ, bao gồm cả những sự kiện gặp mặt gia đình.
Macron giải thích biện pháp hạn chế đi lại mới là rất cần thiết sau khi người dân vẫn vô tư ra ngoài bất chấp cảnh báo hồi cuối tuần.
"Ngay cả khi các chuyên gia đang cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của tình hình, chúng ta vẫn thấy mọi người tụ tập trong công viên, khu mua sắm, trong khi các nhà hàng và quán bar sầm uất không tôn trọng lệnh đóng cửa. Cuộc sống như thể không thay đổi", Tổng thống Pháp nói, cảnh báo các hành vi như vậy có thể khiến mọi người gặp nguy hiểm.
Lệnh phong tỏa đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ không có thu nhập. Dù Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire cam kết "thực hiện bất cứ điều gì cần thiết" để hỗ trợ các doanh nghiệp, số phận những người lao động dễ bị tổn thương, như nhân viên bán thời gian và ngành kinh doanh nhà hàng, vẫn mơ hồ.
Alexandre Piel, bồi bàn trong một nhà hàng ở phía đông Paris, cho biết anh cần tiền từ công việc bán thời gian này để trả học phí và chi tiêu hàng ngày. "Chúng tôi hy vọng tình trạng này sẽ không kéo dài, nhưng chẳng có cách nào biết được", thanh niên 20 tuổi cho hay.
"Chúng tôi rõ ràng sẽ phải chịu tổn thất", Piel nói thêm.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)