"Người biểu tình tràn vào nhà riêng của ông Ranil Wickremesinghe và phóng hỏa", Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka ngày 9/7 thông báo.
Đám đông xông vào tòa nhà sau khi đụng độ với lực lượng an ninh. Một số phóng viên bị kéo vào khu vực xô xát. Xe cứu hỏa và lực lượng phản ứng không thể tiếp cận hiện trường do bạo loạn chưa kết thúc. Chưa ghi nhận thương vong trong sự việc.
Cảnh sát nói rằng ông Wickremesinghe và gia đình không ở nhà vào thời điểm tư dinh bị tấn công. Thủ tướng đã được sơ tán đến nơi an toàn từ trước, văn phòng của ông cho biết.
Người biểu tình tấn công tòa nhà vài tiếng sau khi hàng nghìn người tuần hành ở thủ đô Colombo, vượt qua hàng rào an ninh và xông vào phủ tổng thống để yêu cầu các lãnh đạo hàng đầu rời ghế. Lực lượng an ninh cho biết Tổng thống Gotabaya Rajapkasa được sơ tán đến nơi an toàn. Thủ tướng Wickremesinghe sau đó tuyên bố chấp nhận từ chức với điều kiện các đảng đoàn kết thành lập chính phủ mới.
Tuy nhiên, điều này không thể xoa dịu người biểu tình. Họ chỉ trích Thủ tướng Wickremesinghe đang cố bảo vệ Tổng thống Rajapkasa. Ông được Rajapkasa bổ nhiệm vào tháng 5 với hy vọng tìm ra cách giải cứu nền kinh tế đang sụp đổ thông qua kinh nghiệm ngoại giao và chính trị dày dạn.
Wickremesinghe không tiết lộ nơi ở hiện tại của Tổng thống Rajapaksa, giữa một số tin đồn từ phe đối lập rằng nguyên thủ Sri Lanka đã ra nước ngoài. Một nguồn tin quốc phòng cho biết Tổng thống đã lên tàu hải quân tại cảng Colombo và di chuyển đến vùng biển phía nam của quốc đảo.
Nền kinh tế Sri Lanka chịu áp lực từ các khoản nợ chồng chất, sụt giảm nguồn thu từ du lịch, vật giá leo thang, cũng như các tác động khác từ đại dịch Covid-19, khiến nước này hầu như không có ngoại tệ để nhập khẩu xăng, khí đốt, sữa hay giấy vệ sinh.
Do không thể trả khoản nợ nước ngoài lên đến 51 tỷ USD, chính phủ Sri Lanka hồi tháng 4 tuyên bố vỡ nợ và đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để đảm bảo một gói cứu trợ. Colombo phải trả nợ trung bình 5 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2026.
Thanh Danh