"Chưa từng có tiền lệ kiểu này trong lịch sử bầu cử tại bất cứ nơi nào trên thế giới", Fahri Hamzah, phó chủ tịch quốc hội Indonesia hôm nay cho biết. Ông kêu gọi ủy ban các vấn đề đối nội của quốc hội thành lập đội điều tra để làm rõ cái chết của 569 người sau cuộc bầu cử hôm 17/4.
Cuộc tổng tuyển cử tháng trước là lần đầu tiên quốc gia hơn 260 triệu dân kết hợp bầu tổng thống, quốc hội và bầu cử địa phương trong cùng một ngày. Hơn 80% trong 193 triệu cử tri đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu. Trung bình mỗi người bỏ hơn 4 lá phiếu tại hơn 800.000 điểm bỏ phiếu.
Tuy nhiên, việc tiến hành bỏ phiếu cùng ngày tại quốc gia trải dài hơn 5.000 km2 qua các mũi phía tây và phía đông đã gây thiệt hại lớn cho hơn 7 triệu người làm công tác bầu cử, những người phải đếm phiếu bằng tay. Ủy ban Bầu cử Indonesia (KPU) cho biết 456 nhân viên bầu cử, 91 thành viên cơ quan giám sát, 22 cảnh sát đã tử vong, trong khi 4.310 người đổ bệnh.
Chính phủ đã đồng ý bồi thường khoảng 36 triệu rupiah (2.500 USD) cho thân nhân của người chết. Những người bị thương hoặc bị bệnh cũng sẽ được hỗ trợ.
Ari Fahrial Syam, trưởng khoa y khoa tại Đại học Indonesia cho biết, các yếu tố rủi ro bao gồm yêu cầu gấp rút về thời gian, tuổi tác, tình trạng sức khỏe và điều kiện làm việc khắc nghiệt trong thời tiết nóng bức. Theo ông, những người trên 60 tuổi không nên làm việc trong các cuộc bầu cử.
Tại thủ đô Jakarta, phần lớn 18 trường hợp tử vong có liên quan đến những người trên 50 tuổi mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ, suy hô hấp. "Sức khỏe của họ vốn không tốt, cộng thêm khối lượng công việc lớn, giờ làm việc kéo dài, mức độ căng thẳng và lịch trình nghỉ ngơi không thường xuyên đã dẫn đến những trường hợp đáng tiếc", Bộ trưởng Bộ Y tế Nila Moeloek cho biết.
Ủy viên bầu cử Viryan Aziz cho biết 157 nhân viên đã chết trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2014. Một ủy viên bầu cử khác là Pramono Ubaid Tantowi nói rằng chính quyền có thể xem xét các phương án tách bầu cử quốc gia và bầu cử địa phương, hoặc áp dụng bỏ phiếu điện tử.
Huyền Lê (Theo Reuters)