Nga và Trung Quốc hôm 18/6 chặn sáng kiến của Mỹ trong việc ngăn hoạt động cung cấp nhiên liệu cho Triều Tiên, với lý do cần thêm thời gian để nghiên cứu đề xuất của Mỹ. 25 thành viên Liên Hợp Quốc, trong đó có Nhật Bản, Pháp và Đức, ủng hộ sáng kiến của Washington.
Mỹ trước đó yêu cầu ủy ban trừng phạt của Liên Hợp Quốc tuyên bố Triều Tiên đã tiếp nhận số dầu vượt mức tối đa 500.000 thùng/năm và ra lệnh cho tất cả quốc gia tạm dừng chuyển giao nhiên liệu cho Bình Nhưỡng trong năm 2019.
Trong một báo cáo tuần trước, Mỹ cáo buộc Triều Tiên vi phạm mức trần do Liên Hợp Quốc áp đặt đối với nhiên liệu nhập khẩu khi thực hiện hàng chục vụ chuyển dầu trên biển bằng tàu trong năm nay. Giới hạn nhập khẩu nhiên liệu là một trong hàng loạt biện pháp trừng phạt mạnh tay mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt để đáp trả việc Triều Tiên thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
"Mỹ và các đối tác quan ngại sâu sắc về mức độ vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang xảy ra liên quan đến việc nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế của Triều Tiên", báo cáo cho hay.
Mỹ và Nhật Bản đã ghi nhận ít nhất 8 lần chuyển dầu trên biển liên quan đến tàu có gắn cờ Triều Tiên. Mỹ cũng phát hiện thêm 70 trường hợp tương tự từ tháng một đến tháng 4, song Washington không nói rõ khối lượng dầu được giao.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã tổ chức hai hội nghị thượng đỉnh song không tạo được đột phá trong quan hệ hai nước. Mỹ khẳng định tiếp tục duy trì "áp lực tối đa" bằng các biện pháp trừng phạt cho đến khi Triều Tiên đồng ý từ bỏ chương trình hạt nhân, nhưng Bình Nhưỡng không chấp thuận điều kiện này.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuần trước kêu gọi Trump và Kim sớm gặp lại nhau, nói rằng bế tắc kéo dài có thể làm suy yếu các nỗ lực ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên.
Huyền Lê (Theo AFP)