Giới chức Nga khẳng định đủ tiền trả mọi khoản nợ và cáo buộc phương Tây đang tìm cách đẩy Moskva vào tình trạng "vỡ nợ nhân tạo", sau khi xuất hiện thông tin nước này chưa thể thanh toán khoản lãi 100 triệu USD bằng USD và euro trước hạn chót cuối ngày 26/6.
"Không có căn cứ nào để gọi tình trạng hiện nay là vỡ nợ. Những tuyên bố rằng Nga vỡ nợ nước ngoài hoàn toàn sai", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói hôm nay, thêm rằng Nga đã thanh toán trái phiếu tới hạn hồi tháng 5 nhưng khoản tiền không được chuyển tới bên nhận vì "hành động của bên thứ ba".
"Ai cũng hiểu vị thế hiện nay của chúng tôi. Các khoản dự trữ của chúng tôi bị phong tỏa trái phép và mọi nỗ lực sử dụng các khoản dự trữ này đều bị coi là trái phép", ông nói.
Bộ Tài chính Nga cho hay các khoản nợ không thể chuyển cho chủ nợ nhưng phủ nhận thông tin Moskva vỡ nợ. "Các nhà đầu tư không nhận được tiền không phải do Nga không có tiền trả mà do hành động của bên thứ ba. Hành động của trung gian tài chính nước ngoài nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi", thông cáo của Bộ Tài chính Nga có đoạn.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov trước đó bác bỏ tin Nga vỡ nợ, gọi đây là "trò hề".
Nga đánh mất phương án cuối cùng để trả nợ ngoại tệ sau khi Mỹ tháng trước cấm nhà đầu tư nhận các khoản thanh toán của Moskva. Đáp lại, Nga tuyên bố sẽ trả nợ bằng đồng ruble rồi chuyển thành ngoại tệ, sử dụng một tổ chức tài chính làm trung gian thanh toán dù trái phiếu không cho phép thanh toán bằng đồng nội tệ.
Lần gần nhất Nga vỡ nợ là cuối năm 1918, khi chính quyền Nga từ chối công nhận các khoản nợ từ thời Sa hoàng. Năm 1998, Nga trải qua khủng hoảng tài chính và sự sụp đổ của đồng ruble, nhưng vẫn chi trả được các khoản nợ nước ngoài vào thời điểm đó.
Để phản đối chiến dịch quân sự của Moskva, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt 6 gói trừng phạt, tịch thu tài sản của các tài phiệt cùng quan chức Nga, kiểm soát xuất khẩu hàng hóa và cấm nhập khẩu than, dầu Nga.
Tuy nhiên, một số quan chức EU nhận định các tỷ phú Nga vẫn có thể sống tốt mà không cần du thuyền hay tài sản ở phương Tây, trong khi kiểm soát xuất khẩu hàng hóa Nga có thể làm lợi cho Trung Quốc hay một số nước khác.
Nga đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022. Moskva cũng cấm hàng loạt quan chức phương Tây nhập cảnh, trừng phạt hàng chục công ty năng lượng phương Tây cũng như yêu cầu các nước "không thân thiện" phải mua năng lượng Nga bằng đồng ruble.
Hồng Hạnh (Theo AFP/Reuters)