"Tôi không thể bình luận trên quan điểm kỹ thuật liên quan đến đặc tính của tên lửa, tuy nhiên chúng tôi nhiều lần nói rằng Mỹ đã chuẩn bị vi phạm các điều khoản Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) từ lâu. Vụ thử tên lửa hôm 12/12 là bằng chứng cho thấy thỏa thuận trên thực tế bị Mỹ hủy hoại, chúng tôi lấy làm tiếc về điều này", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov nói trong cuộc họp báo hôm nay tại Moskva.
Hiệp ước INF được Mỹ và Liên Xô ký năm 1987, trong đó cấm phát triển tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km. Mỹ đình chỉ INF vào tháng 2 rồi rút khỏi hiệp ước 6 tháng sau đó, cáo buộc Nga vi phạm INF. Nga bác bỏ và nói Mỹ không tuân thủ hiệp ước khi đặt các tổ hợp Aegis Ashore có thể phóng tên lửa hành trình Tomahawk với tầm bắn 2.500 km tại châu Âu.
Tên lửa đạn đạo tầm trung với cấu hình thông thường được phóng từ căn cứ không quân Vandenberg, bang California hôm qua, bay được hơn 500 km và rơi xuống Thái Bình Dương. Đây là lần thứ hai Mỹ thử tên lửa tầm trung phóng từ mặt đất có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân kể từ khi rút khỏi hiệp ước INF hồi tháng 8.

Mỹ thử tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tại không quân Vandenberg, bang California ngày 12/12. Ảnh: US Air Force.
"Mỹ có quyền thử tên lửa này vì họ đã rút khỏi hiệp ước INF, tuy nhiên điều này khiến chúng tôi lo lắng và chắc chắn sẽ cân nhắc các hành động tiếp theo", người đứng đầu Vụ phụ trách Cấm phổ biến và Kiểm soát vũ khí Bộ Ngoại giao Nga Vladimir Yermakov cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Marks Esper ca ngợi vụ thử tên lửa và nói nước này chỉ cần chưa đầy 9 tháng thay vì hai năm như trước đây để đi từ ý tưởng đến thử nghiệm. Esper cho biết Mỹ chế tạo tên lửa sau khi nước này rút khỏi INF.
Tuy nhiên Nga cho rằng Mỹ đã phát triển tên lửa vi phạm hiệp ước INF từ lâu do phải mất nhiều năm để làm điều này. "Không thể chế tạo mới một tên lửa hoàn chỉnh trong vòng 9 tháng. Chu kỳ sản xuất không cho phép điều đó diễn ra, phải mất nhiều năm thay vì 9 tháng để đi từ lý thuyết đến thực tiễn. Nga một lần nữa kêu gọi Mỹ quay trở lại tuân thủ hiệp ước INF", Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Nga Andrei Krasnov nói.
Giới chuyên gia nhận định vụ thử tên lửa của Mỹ có thể là tín hiệu gửi tới Triều Tiên trong lúc hai bên có thể quay lại thời kỳ căng thẳng trước đây. Triều Tiên nêu hạn chót cho đàm phán hạt nhân vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Mỹ cảnh báo Triều Tiên có thể hứng chịu nhiều hậu quả nếu tiếp tục thử vũ khí tầm xa vào năm sau.
Tên lửa được Mỹ phóng thử hôm 12/12. Video: US Air Force.
Nguyễn Tiến (Theo Sputnik)