Theo chiến lược mới, chính phủ của Tổng thống Obama quyết định giảm bớt sự phát triển các loại vũ khí hạt nhân mới, và có thể tiến tới cắt giảm thêm kho vũ khí của Mỹ.
"Chúng ta đang thực hiện những bước đi cụ thể và chắc chắn nhằm giảm vai trò của vũ khí hạt nhân, nhưng vẫn bảo toàn khả năng vượt trội của quân đội của chúng ta, ngăn chặn mọi sự gây hấn và bảo đảm an ninh cho nhân dân Mỹ", Reuters dẫn lời Obama phát biểu khi công bố chiến lược hôm qua.
Mỹ cũng sẽ giảm sự phụ thuộc vào lực lượng hạt nhân răn đe; đảm bảo không dùng vũ khí hạt nhân để tấn công các nước không sở hữu loại vũ khí này - đây là bước thay đổi so với thời của tổng thống Bush. Khi đó Mỹ tuyên bố giữ quyền trả đũa bằng hạt nhân nếu bị tấn công bằng hóa học hoặc sinh học.
Tuy nhiên với hai nước Iran và Triều Tiên, không có sự đảm bảo đó.
"Nếu có một thông điệp cho Iran và Triều Tiên, thì đó là ... nếu các anh không chơi đúng luật, nếu các anh phổ biến vũ khí hạt nhân, thì chúng tôi sẽ có đủ mọi lựa chọn để giải quyết với các anh", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cảnh báo.
Ông Obama mô tả chính sách của mình là một phần trong nỗ lực đưa thế giới dần dần xóa sổ vũ khí hạt nhận, và tạo điều kiện thuận lợi cho những quốc gia từ bỏ tham vọng vũ khí hạt nhân.
Chiến lược của ông Obama được New Yorrk Times đánh giá là một bước chuyển đổi khôn ngoan trong giai đoạn mới, khi các khu vực nổi loạn và các tổ chức khủng bố trở thành mối nguy hiểm hơn nhiều so với các quốc gia mạnh như Nga và Trung Quốc.
Tuy nhiên chiến lược mới đã gây ra tranh cãi ở cả hai phía đảng Cộng hòa và Dân chủ. Phe Cộng hòa cho rằng Mỹ sẽ tự làm mờ nhạt đi vai trò to lớn của mình; trong khi Dân chủ lại đang hy vọng tuyên bố này sẽ đưa Mỹ trở thành nước không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân trước.
“Chúng ta cần phải đảm bảo rằng sẽ tiếp tục làm giảm vai trò của vũ khí hạt nhân,” ông Obama nói, “và cũng đảm bảo rằng sức mạnh của những vũ khí truyền thống cũng đủ mạnh và hiệu quả trong mọi trường hợp căng thẳng nhất.”
Các nghị sĩ Cộng hòa, vốn từ lâu chỉ trích Obama là quá mềm trong vấn đề quốc phòng, nhanh chóng lên tiếng phê phán chính sách mới, theo Reuters.
"Nước Mỹ có một chính sách chiến lược, được nhiều đời chính phủ thuộc các đảng phải khác nhau chấp nhận, đó là duy trì mọi lựa chọn đáp trả nếu bị tấn công", hai thượng nghị sĩ John McCain và Jon Kyl bình luận trong một thông cáo chung. "Bản báo cáo hôm nay là sự khó hiểu đối với chiến lược này".
Việc công bố chiến lược mới - trong báo cáo mang tên Đánh giá tình hình Vũ khí hạt nhân - diễn ra trước một loạt hoạt động có liên quan đến hạt nhân. Obama dự kiến sẽ tới Prague vào ngày mai để ký hiệp ước kiểm soát vũ khí mới với người đồng nhiệm Nga Dmitry Medvedev. Tuần tới, ông sẽ chủ trì một hội nghị cấp cao ở Washington với 47 nhà lãnh đạo thế giới về an ninh hạt nhân.
Trên thế giới hiện có 5 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Ba quốc gia có vũ khí hạt nhân nhưng từ chối ký hiệp ước Không phổ biến (NPT) là Ấn Độ, Pakistan và Israel. Triều Tiên tuyên bố rút khỏi hiệp ước năm 2003. Iran đã ký hiệp ước, tuy nhiên Hội đồng Bảo an cho rằng nước này đã vi phạm cam kết vì có các nhà máy hạt nhân bí mật.
Minh Phương