Giới chức Los Angeles, bang California hôm 17/3 cho hay đã thả khoảng 600 tù nhân trong hai tuần qua. "Các phạm nhân trong nhà tù dễ bị tổn thương, dù họ là ai, ở đâu, vì vậy, chúng tôi phải bảo vệ họ khỏi nguy cơ lây nhiễm", cảnh sát trưởng Los Angeles Alex Villanueva nói hồi đầu tuần.
Thị trưởng New York Bill de Blasio hôm 18/3 tuyên bố sẽ thả các tù nhân "dễ tổn thương" do dịch bệnh. Thông báo được ông Blasio đưa ra chỉ vài giờ sau khi một quản giáo và một tù nhân tại nhà tù đảo Rikers dương tính với nCoV.
Nhà tù Sing Sing, New York cũng ghi nhận các tù nhân dương tính với nCoV và một quản giáo đã tử vong vì dịch, song chưa có thống kê về số lượng nhiễm và tử vong vì Covid-19 tại các nhà tù khắp nước Mỹ.
Hạt Los Angeles có hệ thống nhà tù lớn nhất thế giới, giam khoảng 22.000 tù nhân. Villanueva cho hay số tội phạm bị bắt tại hạt này cũng giảm 5 lần trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Nhà tù hạt Cuyahoga, bang Ohio cũng phóng thích hàng trăm tù nhân do lo ngại dịch bệnh.
Các cơ quan liên bang ở Mỹ cũng hoãn hầu hết các vụ bắt, trục xuất phạm nhân. Các thẩm phán ở Mỹ đã có phiên họp khẩn vào cuối tuần qua để bàn về các phương án ân xá hoặc thỏa thuận để tù nhân được phóng thích sớm hoặc không phải ngồi tù. Một số bang còn cấm người thân tới thăm tù nhân để ngăn nCoV lây lan.
Tù nhân được coi là những người dễ tổn thương nhất trong dịch bệnh, do thiếu nhà vệ sinh trong các phòng giam chật chội. Người bị còng tay cũng không thể che miệng khi ho, hắt hơi, bồn rửa thường thiếu xà phòng, thuốc khử trùng.
Mỹ là một trong những quốc gia có số tù nhân cao nhất thế giới, với 2,3 triệu người trong khắp các nhà tù liên bang và địa phương. Nước này ghi nhận hơn 14.000 ca nhiễm và 217 ca tử vong.
Covid-19 đã xuất hiện tại 182 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến hơn 246.000 người nhiễm bệnh và hơn 10.000 người chết.
Mai Lâm (Theo BBC)