New York Times hôm 13/5 dẫn lời các quan chức giấu tên trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết quyền Bộ trưởng Quốc phòng Patrick Shanahan đã trình bày một kế hoạch quân sự bổ sung với các cố vấn hàng đầu của Nhà Trắng trong cuộc họp hôm 9/5 nhằm đối phó với nguy cơ Iran tấn công lực lượng Mỹ hoặc tăng tốc quá trình chế tạo vũ khí hạt nhân.
Trong số những người dự cuộc họp này có Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, Giám đốc CIA Gina Haspel, Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Joseph Dunford. Shannahan tóm tắt sơ bộ về kế hoạch cập nhật nhằm đối phó với Iran, sau đó mời tướng Dunford trình bày các phương án tác chiến.
Dunford đã nêu ra một số đề xuất quân sự, trong đó phương án "gây sốc" nhất là triển khai 120.000 quân tới Trung Đông để chống lại các động thái từ Tehran. Đây là lực lượng quân sự tương đương số quân Mỹ sử dụng để xâm lược Iraq năm 2003 và có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để huy động.
Nhà Trắng không trả lời yêu cầu bình luận, Lầu Năm Góc cũng từ chối phản hồi về thông tin này.
Hiện chưa rõ Trump đã được báo cáo về kế hoạch quân sự cập nhật này hay chưa và liệu ông có đồng ý điều động lượng lớn binh sĩ như vậy quay lại Trung Đông hay không, sau nỗ lực giảm bớt hiện diện quân sự của Mỹ ở Syria, Iraq và Afghanistan. Khi được hỏi về việc thay đổi chế độ ở Iran hôm 13/5, Trump trả lời: "Chúng ta sẽ xem điều gì xảy ra với Iran. Nếu họ làm bất cứ điều gì, đó sẽ là sai lầm tệ hại".
Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ xây dựng kế hoạch quân sự đối với Iran. Trong kế hoạch tác chiến trước đó, Lầu Năm Góc dự định tiến hành một chiến dịch tấn công mạng mang mật danh Nitro Zeus nhằm phá hoại mạng lưới điện và năng lực quân sự của Iran.
Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết cố vấn Bolton hồi năm ngoái đã yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ xây dựng phương án tác chiến chống Iran sau khi nhóm tay súng được Iran hậu thuẫn nã đạn cối vào khoảnh đất trống tại sứ quán Mỹ ở Baghdad hồi tháng 9/2018. Theo yêu cầu của Bolton, Lầu Năm Góc đã đưa ra một số phương án như tiến hành không kích qua biên giới nhắm vào một cơ sở quân sự của Iran.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó là James Mattis và các tướng dưới quyền sau đó phản đối phương án đáp trả này vì cho rằng vụ tấn công ở Baghdad là quá nhỏ.
Căng thẳng giữa Iran và Mỹ lên cao sau khi Trump rút khỏi thỏa thuận quốc tế 2015 nhằm kiềm chế các hoạt động hạt nhân của Iran và áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt lên Tehran.
Trump muốn Tehran đồng ý với một thỏa thuận kiểm soát vũ khí lớn hơn và đã điều một tàu sân bay cùng 4 máy bay ném bom B-52 tới Trung Đông để phô diễn sức mạnh chống lại cái mà Washington gọi là "mối đe dọa với lực lượng Mỹ trong khu vực".
Iran cáo buộc Mỹ đang tiến hành "chiến tranh tâm lý", gọi sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Đông là vì một "mục tiêu" nào đó chứ không phải do bị đe dọa, đồng thời tuyên bố sẽ "đáp trả không thương tiếc" bất cứ hành động quân sự nào của Washington.
Hồng Hạnh (Theo Reuters)