"Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh xâm nhập hệ thống máy tính và những tài khoản liên kết với đảng Dân chủ, làm rò rỉ thông tin gây tổn hại cho Hillary Clinton và chiến dịch tranh cử tổng thống của bà", theo báo cáo điều tra cuối cùng về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ được Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ công bố hôm nay.
"Mục đích của Moskva là gây tổn hại chiến dịch của Clinton, làm lu mờ triển vọng đắc cử của bà, tạo lợi thế cho chiến dịch của Trump sau khi ông trở thành ứng viên tiềm năng của đảng Cộng hòa, từ đó phá hoại tiến trình dân chủ của Mỹ", báo cáo có đoạn.
Cuộc điều tra kéo dài ba năm đã phát hiện nhiều mối liên hệ giữa các trợ lý của Trump và người Nga, hoặc những người có quan hệ với chính phủ Nga, cũng như nỗ lực của Tổng thống Mỹ nhằm lợi dụng vụ rò rỉ thông tin. Tuy nhiên, ủy ban điều tra kết luận rằng "không tìm thấy bằng chứng về sự thông đồng giữa Trump với phía Nga".
Báo cáo còn gọi sự tham gia của Paul Manafort, cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử của Trump, vào quá trình vận động tranh cử là "mối đe dọa phản gián nghiêm trọng". Theo điều tra, Manafort "đã tạo cơ hội cho các cơ quan tình báo Nga gây ảnh hưởng và thu thập thông tin mật về chiến dịch của Trump".
Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner, thành viên ủy ban điều tra, cho biết họ đã xử lý hàng triệu tài liệu và tiến hành hàng trăm cuộc phỏng vấn nhân chứng, đồng thời đánh giá báo cáo "đã tiết lộ mức độ liên hệ đáng kinh ngạc giữa đội ngũ của Trump với đặc vụ chính phủ Nga".
"Điều này không thể lặp lại. Giữa lúc chúng ta hướng tới mùa tranh cử 2020, tôi kiên quyết kêu gọi các chiến dịch, nhánh hành pháp, quốc hội và người dân Mỹ lưu ý về những bài học từ báo cáo này để bảo vệ nền dân chủ của chúng ta", Warner cho biết trong một tuyên bố.
Bà Clinton, đối thủ của Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016, chịu thất bại do thua số phiếu đại cử tri, dù giành đa số phiếu phổ thông. Trong quá trình vận động tranh cử, bà bị cáo buộc xóa khoảng 30.000 email cá nhân khi còn giữ chức ngoại trưởng, không tuân theo quy trình của Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ.
Ánh Ngọc (Theo Bloomberg)