"Mỹ đã thúc ép hai bên rất quyết liệt, cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản, bởi việc duy trì cơ chế hợp tác an ninh ba bên là rất quan trọng", Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo cho biết hôm 17/11, sau các cuộc gặp với người đồng cấp Nhật Bản và Mỹ ở thủ đô Bangkok của Thái Lan.
Ông Joeng cho hay Mỹ đang tiếp tục phát thông điệp tới Nhật và Hàn Quốc, thúc giục hai bên thu hẹp khác biệt để tiến tới việc gia hạn Thỏa thuận Chia sẻ Thông tin Tình báo Quân sự (GSOMIA) sắp hết hiệu lực. Tuy nhiên, ông thừa nhận có rất ít dấu hiệu cho thấy hai nước sẽ thay đổi quan điểm.

Từ trái qua phải: Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono. Ảnh: Kyodo.
"Không có câu trả lời thỏa đáng từ Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono, dù chúng tôi đã rất cố gắng", Jeong nói khi được hỏi liệu Tokyo có đưa ra lời đề nghị mới nào với GSOMIA hay không.
Thông tin được Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc đưa ra sau khi kết thúc cuộc gặp riêng với người đồng cấp Nhật Bản Kono và cuộc đàm phán ba bên có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tại Bangkok. Các cuộc đàm phán này được coi là cơ hội cuối cùng để các bên tìm ra giải pháp đột phá, khi GSOMIA sẽ hết hiệu lực trong 6 ngày nữa.
Phát ngôn viên phủ Tổng thống Hàn Quốc Ko Min-jung trước đó cũng gọi quyết định chấm dứt GSOMIA là điều "không thể tránh khỏi". "Nếu chúng tôi đơn phương hủy quyết định này trong khi Nhật Bản không thay đổi các hạn chế xuất khẩu hay quan hệ hai nước không được cải thiện, điều đó sẽ chỉ chứng minh quyết định ban đầu của chúng tôi không đủ thận trọng", ông Ko cho biết.
Quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc đang ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua, sau khi Tokyo áp đặt các hạn chế thương mại với Seoul. Hàn Quốc ngay lập tức đáp trả bằng tuyên bố chấm dứt GSOMIA, khiến Washington lo ngại về khả năng lung lay mối quan hệ với hai đồng minh châu Á.
Mâu thuẫn trong quan hệ hai nước được cho là xuất phát từ phán quyết của tòa án Hàn Quốc hồi tháng 11/2018 về vấn đề sử dụng lao động cưỡng bức trong giai đoạn 1910-1945, trong đó yêu cầu các công ty Nhật Bản phải bồi thường cho nạn nhân. Tuy nhiên, Nhật Bản khẳng định vấn đề đã được giải quyết khi hai nước bình thường hoá quan hệ năm 1965 và đã viện trợ cho Hàn Quốc 500 triệu USD.
Ngọc Ánh (Theo Yonhap)