Trung Quốc có những dự án cải tạo đất và xây dựng quyết đoán tại 8 tiền đồn trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có công trình giống như đường băng ở bãi Chữ Thập, hãng tin AP dẫn lời Đô đốc Samuel Locklear phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hôm 15/4. Đô đốc Locklear chỉ huy lực lượng Mỹ tại Thái Bình Dương, nơi chính quyền Tổng thống Barack Obama muốn tăng sự hiện diện của Mỹ và các cường quốc khác muốn tranh giành sự ảnh hưởng.
Theo ông Locklear, đảo nhân tạo cho phép Trung Quốc có thể đặt căn cứ, đồng thời tái cung ứng cho hạm đội tàu an ninh hàng hải quy mô lớn và đang phát triển của nước này. Bắc Kinh thậm chí còn có thể điều động các tên lửa và radar, cung cấp nền tảng để thiết lập một vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông nếu muốn.
"Chúng cho phép họ gây ảnh hưởng lớn hơn tới khu vực hiện có tranh chấp", ông Locklear nói.
Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, gọi các động thái của Trung Quốc là "hung hăng". Chúng cho thấy sự cần thiết đối với chính quyền Obama trong việc hành động theo kế hoạch, đưa thêm khí tài quân sự tới khu vực châu Á và tăng cường hợp tác với các nước châu Á đang lo ngại trước Trung Quốc, Reuters dẫn lời ông McCain nói.
Ông McCain còn nhắc đến bản đánh giá của tình báo Mỹ hồi tháng 2 cho thấy quân đội Trung Quốc hiện đại hóa nhằm đối phó với sức mạnh Mỹ và Washington còn nhiều việc cần làm ở phía trước để duy trì lợi thế quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương.
"Khi một quốc gia cải tạo diện tích đất hơn 2 km2, xây các đường băng và có thể đưa năng lực quân sự ra vùng biển quốc tế thì đây là một mối đe dọa rõ ràng tới khu vực mà kinh tế thế giới đã, đang và sẽ đi qua trong tương lai", ông McCain hôm qua phát biểu trước quốc hội
Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói quy mô hoạt động cải tạo và xây dựng mà Trung Quốc đang thực hiện làm gia tăng lo ngại trong khu vực về ý định quân sự hóa các tiền đồn, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải.
Theo đó, Mỹ có lợi ích lớn trong giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Đông. "Chúng tôi không tin rằng hoạt động cải tạo đất quy mô lớn cùng ý định quân sự hóa các tiền đồn trên thực thể có tranh chấp là phù hợp với khát vọng hòa bình và ổn định ở khu vực", người này nói.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với phần lớn diện tích Biển Đông và Bắc Kinh ngang nhiên cho biết họ có quyền thực hiện bất kỳ hoạt động nào tại đây. Trung Quốc cuối năm 2013 đơn phương tuyên bố thiết lập ADIZ bao trùm lên một quần đảo mà nước này có tranh chấp với Nhật Bản trên biển Hoa Đông bất chấp sự phản đối từ Nhật, Mỹ cùng các quốc gia khác.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo đất quy mô lớn tại một số bãi cạn trên Biển Đông bất chấp Mỹ kêu gọi đóng băng những hoạt động xây dựng tương tự, dành thời gian để Bắc Kinh và các quốc gia Đông Nam Á láng giềng phối hợp giải quyết bằng ngoại giao.
Như Tâm