Thứ năm, 9/1/2025
Thứ hai, 29/4/2019, 14:00 (GMT+7)

Một tuần vượt biển thăm Trường Sa của 55 kiều bào

Hải trình qua 10 điểm đảo của Trường Sa mang lại cho các kiều bào nhiều cảm xúc khó quên.

Sáng 16/4, sau hơn một ngày hai đêm khởi hành từ quân cảng Cam Ranh, tàu Kiểm ngư 490 chở hơn 200 đại biểu, trong đó có 55 người Việt sinh sống ở nước ngoài, đã có mặt tại quần đảo Trường Sa, thuộc tỉnh Khánh Hoà. Giữa cái nắng tháng tư chói chang, những chiếc cano cấp tập rẽ sóng, luân phiên đưa đoàn công tác từ tàu cập bến các đảo.

Tại hai điểm đến đầu tiên là đảo Sơn Ca và Sinh Tồn Đông, đoàn kiều bào và các cán bộ, chiến sĩ đã cùng dự lễ chào cờ và có những cuộc giao lưu sôi nổi. Nhiều người bày tỏ sự bất ngờ xen lẫn vui mừng khi thấy quang cảnh tươi đẹp ở các đảo và đời sống của các chiến sĩ ngày càng cải thiện.

Tại đảo Sơn Ca, đoàn kiều bào cũng đã dâng hương tại Đài Tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và thăm chùa Sơn Linh.

Ông Phan Văn Tùng, sinh sống ở Đức 32 năm nay, xúc động khi lần đầu ra thăm Trường Sa và được biết các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ ở nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc đều mới đôi mươi. "Các cháu cũng trạc tuổi con chú", ông nói rồi gục vào vai một chiến sĩ, nước mắt trào ra. 

Chị Tô Kim Hồng (phải) và chị Cao Hồng Vinh thuộc đoàn kiều bào Ba Lan nhận đoá hoa Phong Ba từ hai chiến sĩ. Cây Phong Ba được trồng nhiều ở Trường Sa bởi có sức sống mạnh mẽ trước sự khắc nghiệt của thời tiết. 
Theo chị Hồng, đoàn Ba Lan đã trích từ quỹ Trường Sa do cộng đồng người Việt tại nước này đóng góp để mua 12 bộ máy tính, nhiều phần quà và một số đặc sản Ba Lan tặng các cán bộ, chiến sĩ trên các đảo. 

Chiều cùng ngày, tại vùng biển gần đá Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao, lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh tại quần đảo Trường Sa diễn ra trang trọng trên sân trực thăng của tàu KN 490. 
Cách đây hơn 30 năm, vào ngày 14/3/1988, các lực lượng tàu chiến hùng hậu trang bị vũ khí hiện đại của Trung Quốc đã bất chấp pháp luật, bắn chìm, bắn cháy ba tàu vận tải và đánh chiếm một số bãi đá ngầm ở Trường Sa. 64 chiến sĩ đã hy sinh, 9 người bị bắt. Đảo Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm giữ trái phép từ đó.

Các kiều bào nghẹn ngào khi nghe Đại tá Đào Ngọc Quỳ, Chính ủy Cục Hậu cần, trưởng đoàn công tác số 5, ôn lại những tấm gương anh hùng. Thiếu uý Trần Văn Phương, phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma, trước lúc hy sinh đã quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội không được lùi bước, phải để máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng Hải quân. Thiếu tá Vũ Huy Lễ, chỉ huy tàu HQ 505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên bãi ngầm Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm. 

Sau phút mặc niệm và dâng hương lên anh linh các liệt sĩ, đoàn kiều bào đã cùng thả vòng hoa và bàn thờ tưởng nhớ các anh hùng xuống biển. Sóng biển đưa sự tri ân của những người Việt xa xứ trôi dần về phía Gạc Ma. 

Trong những ngày tiếp theo, đoàn kiều bào đến thăm nhiều đảo đá như Tiên Nữ, Núi Le A, Tốc Tan B, Phan Vinh B. Họ trò chuyện, động viên các chiến sĩ và tặng nhiều phần quà như tủ đông, tivi, máy tập đa năng để góp phần làm vơi đi phần nào những khó khăn của lính đảo. 

"Bước chân đến mỗi đảo tôi lại có những cảm xúc riêng. Những gương mặt của các chiến sĩ dù mới gặp lần đầu nhưng tôi vẫn thấy thân thương như gặp lại con cháu trong gia đình sau thời gian đi xa", ông Vũ Thế Hà, Việt kiều Đức, chia sẻ. "Nhìn nước da đen sạm của các chiến sĩ, tôi cảm nhận được sự vất vả của họ. Sau chuyến đi, chúng tôi sẽ mở rộng tuyên truyền và quyên góp để tiếp tục hỗ trợ họ về cả vật chất lẫn tinh thần".

Kiều bào thăm vườn rau của các chiến sĩ trên đảo Tiên Nữ. Do đóng quân ở vùng hải đảo xa xôi, ngoài nguồn thực phẩm chính được trữ đông để sử dụng dần, các chiến sĩ còn trồng thêm nhiều loại rau xanh như muống, cải, mồng tơi..., nuôi lợn, gà, vịt để cải thiện bữa ăn.

Kiều bào và các cán bộ, chiến sĩ trên các đảo cất cao lời ca tiếng hát. Những ca khúc ca ngợi Tổ quốc, quê hương, Trường Sa và người lính vang lên đầy tự hào giữa biển cả. Các đoàn kiều bào cũng đã trao tặng nhiều phần quà là các thực phẩm thiết yếu, trang thiết bị và tiền mặt với tổng trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng cho quân và dân Trường Sa.

Hôm 20/4, tại đảo Trường Sa, nơi được coi là thủ phủ huyện đảo Trường Sa cũng là điểm đảo cuối cùng, đoàn công tác đã dự lễ chào cờ, duyệt đội danh dự ngay trên đường băng của đảo. Đoàn sau đó thắp hương tại Nhà Tưởng niệm Bác Hồ và đài tưởng niệm liệt sĩ trên đảo.

Ngoài quà tặng cho các chiến sĩ, đoàn kiều bào cũng chuẩn bị nhiều phần quà cho các em bé là con của 7 hộ dân ở đảo Trường Sa. Những em bé theo cha mẹ ra đảo sinh sống trong thời gian 5 năm trước khi trở lại đất liền và học chung trong một lớp học với cùng một thầy giáo.

Kiều bào giao lưu với cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa
 
 

Đêm giao lưu văn nghệ giữa các chiến sĩ với các nghệ sĩ và kiều bào diễn ra ngay trước cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa.

Kiều bào chia tay cán bộ, chiến sĩ Trường Sa
 
 

Một tuần thăm Trường Sa của các kiều bào đến từ 19 quốc gia khép lại với nhiều lưu luyến. Đây là năm thứ 8 Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thuộc Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức đưa các đoàn kiều bào ra thăm Trường Sa.

"Tôi sinh ra ở đất khách, nay không những trở về quê hương mà còn được ra thăm Trường Sa, hội ngộ với kiều bào cùng chung một tiếng nói từ khắp thế giới tại đây, đó là niềm vinh hạnh lớn nhất cuộc đời", bà Cao Thị Sáu, 68 tuổi, Việt kiều tại Thái Lan, chia sẻ.

Nguyễn Xuân Hào, đại diện thanh niên - sinh viên Việt Nam tại Đức, cũng bày tỏ niềm tự hào khi là một trong những thành viên trẻ tuổi nhất đoàn ra thăm Trường Sa. "Thật thiêng liêng và xúc động khi được tận mắt ngắm nhìn từng điểm đảo nơi biển xa", du học sinh 23 tuổi nói. "Mình ý thức được rõ ràng trách nhiệm của bản thân đó là phải truyền được một tinh thần Trường Sa mạnh mẽ đến các bạn trẻ người Việt khi quay lại Đức".

Anh Ngọc