"Bây giờ đó chỉ là kịch bản giả định thôi, nhưng nếu các hành động quân sự tiến xa hơn về phía tây nam Ukraine và về phía Odessa, tất nhiên chúng tôi sẽ lo lắng", Thủ tướng Moldova Natalia Gavrilita trả lời phỏng vấn hôm 24/7.
"Chúng tôi rất lo lắng, đặc biệt khi quân Nga hiện diện ở trên lãnh thổ vùng Transnistria theo chủ nghĩa ly khai", bà Gavrilita nói. "Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để duy trì hòa bình và ổn định cũng như đảm bảo giao tranh không leo thang".
Moldova là quốc gia nhỏ bé với dân số khoảng 2,5 triệu người, từng thuộc Liên Xô. Trong xung đột Ukraine, Moldova đã tiếp nhận khoảng nửa triệu người tị nạn.
Nỗi lo sợ bị Nga tấn công tăng cao ở Moldova vào tháng 3, khi một bức ảnh bị rò rỉ cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko chỉ tay vào Moldova trên bản đồ tác chiến.
Theo Thủ tướng Moldova, chiến dịch quân sự của Nga đã tạo ra "tình huống khó khăn" cho các nước châu Âu khác, không chỉ Moldova.
"Nếu một quốc gia có thể bắt đầu một cuộc chiến mà không quan tâm đến luật pháp quốc tế thì không ai được an toàn. Tôi nghĩ nhiều quốc gia đang lo lắng", bà cho hay.
Transnistria là vùng đất đất hẹp nằm giữa sông Dniester và biên giới Moldova - Ukraine, có dân số hơn 500.000 người. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, khu vực này đòi ly khai khỏi Moldova, châm ngòi cho cuộc xung đột quân sự vào tháng 3/1992 và kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn vào tháng 7/1992.
Chính quyền ly khai tại Transnistria chỉ được công nhận bởi ba vùng tự ly khai khác gồm Abkhazia, Artsakh và Nam Ossetia. Quân đội Nga triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình với quân số không quá 1.500 người tại khu vực này kể từ năm 1993.
Vitaly Ignatyev, lãnh đạo cơ quan đối ngoại của vùng ly khai Transnistria ở Moldova, cuối tuần qua cho biết Transnistria sẽ theo đuổi các mục tiêu đã được xác định trong cuộc trưng cầu dân ý năm 2006, khi gần 100% cử tri ủng hộ độc lập khỏi Moldova cùng khả năng gia nhập Nga. Cuộc trưng cầu dân ý này bị cộng đồng quốc tế coi là bất hợp pháp.
Huyền Lê (Theo Hill)