![]() |
Thu dọn thi thể các nạn nhân vụ đánh bom ở Lockerbie. |
"Chúng tôi nhận trách nhiệm về vụ Lockerbie trên cơ sở luật pháp quốc tế quy định rằng, một quốc gia phải nhận trách nhiệm về những gì công dân của họ đã làm", Ngoại trưởng Lybia Chalgam nhấn mạnh. Washington cho biết, họ mới nắm được thông tin về sự thừa nhận của Tripoli trên báo chí và chưa nhận được thông báo chính thức nào của các quan chức Lybia.
Nhà Trắng đã đưa ra yêu cầu rằng, nếu Lybia muốn lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc và Mỹ được dỡ bỏ, trước hết họ phải nhận trách nhiệm về vụ đánh bom Lockerbie và đền bù cho thân nhân những người bị hại.
Về mức đền bù, theo tiết lộ của Ngoại trưởng Chalgam thì gia đình của mỗi nạn nhân vụ nổ máy bay ở Lockerbie có thể sẽ nhận được số tiền lên tới 10 triệu USD trả làm 3 lần. Ông không đề cập trực tiếp đến vai trò của chính phủ trong việc gây quỹ đền bù này nhưng cho biết, các công ty của Lybia và nước ngoài sẽ tham gia hoạt động gây qũy.
Chiếc máy bay dân dụng của hãng Pan Am đã bị gài bom và nổ tung trên bầu trời thị trấn Lockerbie, Scotland tháng 12/1988, khiến 259 hành khách và 11 người dưới mặt đất thiệt mạng. Năm 2001, điệp viên người Lybia Abdel Basset al-Magrahi đã bị kết án chung thân vì tội gây ra vụ tấn công này trong một phiên tòa ở Hà Lan.
Có ít nhất 4 đại gia trong làng dầu mỏ Mỹ là ConocoPhillips, Marathon Oil, Amerada Hess và Occidental Petroleum muốn lệnh cấm vận đối với Lybia hết hiệu lực, để họ có thể vào làm ăn tại quốc gia Bắc Phi nhiều dầu mỏ này. Nếu lệnh cấm vận Lybia do Tổng thống Ronald Reagan đưa ra năm 1986 được xóa bỏ, Mỹ lại có thể mua dầu của Lybia lần đầu tiên sau 17 năm hoạt động này bị gián đoạn.
Đình Chính (theo AP, AFP)