Khi vừa "chân ướt chân ráo" đến Nhật Bản vào năm ngoái, một lao động nữ Việt Nam theo chương trình thực tập nghề phát hiện mình có bầu. Phía tuyển dụng bên Nhật cho cô hai lựa chọn: "Phá thai đi hoặc trở về Việt Nam", theo Japan Times.
Nếu trở về quê nhà, nữ lao động này không có cách nào trả khoản nợ 10.000 USD mà cô đã vay mượn để làm thủ tục sang Nhật làm việc. "Cô ấy cần ở lại, kiếm tiền trả nợ", theo Shiro Sasaki, tổng thư ký hiệp hội công nhân đoàn kết Zentoitsu, người đứng ra đại diện cho quyền lợi của nữ lao động trên.
Trong bối cảnh lực lượng lao động Nhật Bản trong độ tuổi từ 16 đến 64 giảm mạnh và chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe mở cửa cho lao động nước ngoài thông qua chương trình cấp thị thực tu nghiệp sinh, nhiều thanh niên Việt Nam hy vọng sẽ kiếm được công việc có thu nhập cao ở xứ người. Họ sẵn sàng vay những khoản tiền lớn để làm thủ tục sang Nhật.
Tuy nhiên, tháng 12/2018, Nhật Bản thông qua dự luật sửa đổi, ưu tiên lao động nước ngoài có tay nghề cao hơn lao động chân tay. Theo đó, công nhân nước ngoài sẽ được cấp thị thực làm việc 5 năm nếu làm việc trong 14 ngành nghề quy định với điều kiện họ đáp ứng được yêu cầu về trình độ tiếng Nhật và kỹ năng nghề. Những người có trình độ cao hơn sẽ có cơ hội được cấp thẻ thường trú nhân.
"Ở Việt Nam tỉ lệ thanh niên có trình độ học vấn thất nghiệp vẫn còn cao, do vậy nhiều người trẻ muốn ra nước ngoài làm việc", Futaba Ishizuka, chuyên gia tại Viện Kinh tế Phát triển, nhận định.
Trong khuôn khổ chương trình, các công ty hoặc tổ chức Nhật mời lao động nước ngoài sang Nhật làm việc với tư cách là thực tập sinh muốn nâng cao kỹ năng nghề. Nhưng nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng chương trình này để bóc lột người lao động. Theo thống kê, năm 2016, có đến 70,6% tổng số các doanh nghiệp thuê "tu nghiệp sinh" nước ngoài vi phạm luật lao động bao gồm bắt công nhân làm thêm quá số giờ quy định, không trang bị bảo hộ lao động hoặc trả lương rẻ mạt.
Một trong những vụ bê bối lớn nhất là công ty xây dựng Iwate thừa nhận đã giao việc tẩy xạ cho nam thực tập sinh Việt Nam. Nam thực tập sinh 24 tuổi tố cáo bị lừa đến Nhật Bản làm công việc "xây dựng". Theo lời kể với báo Nhật Bản, thanh niên này tìm được cơ hội đến Nhật làm việc khi còn ở quê nhà qua tờ rơi quảng cáo về Chương trình Học viên Thực tập Kỹ thuật. Công ty xây dựng cho biết do không thể từ chối hợp đồng của các nhà thầu cộng với tình trạng thiếu nhân lực địa phương, công ty phải quảng cáo thuê lao động nước ngoài, bao gồm các thực tập sinh.
Năm ngoái, Hiệp hội Hữu nghị quốc tế châu Á Nhật Bản bị cáo buộc ăn chặn gần 3 triệu yên (28.000 USD) tiền lương của nhiều sinh viên Việt Nam đang làm việc trong các cơ sở lưu trú và nhà nghỉ kiểu truyền thống phục vụ khách du lịch ở tỉnh Ishikawa và Fukui, Nhật Bản từ tháng 9/2016 đến 5/2017.
Điều kiện làm việc khắc nghiệt và thu nhập không ổn định đã khiến hơn 7.000 thực tập sinh ở Nhật Bản bỏ việc vào năm 2017. Gần một nửa trong số đó là người Việt Nam.
Các thực tập sinh không được tự do chuyển việc và nếu bỏ việc họ sẽ bị tước thị thực. Trong khi đó, đa số không biết cầu cứu sự giúp đỡ của các tổ chức bảo vệ lao động. Đó chính là nguyên nhân khiến nhiều người bỏ ra ngoài lao động bất hợp pháp.
"Tình hình thực tế ở Nhật khác hoàn toàn so với những gì họ được thông tin ở quê nhà", Shigeru Yamashita, giám đốc điều hành hiệp hội tương hỗ Việt Nam, cho biết. "Họ mắc những khoản nợ không thể trả bằng đồng lương ở quê nhà. Lựa chọn duy nhất là bỏ trốn và gia nhập thị trường lao động chợ đen".
Dù chính quyền Abe khẳng định sẽ không dùng "chính sách nhập cư" để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, giới quan sát cho rằng Nhật Bản đã trở thành quốc gia nhập cư.
Theo khảo sát của Bộ Tư pháp, số người nước ngoài sống tại Nhật Bản trong năm 2018 là 2,73 triệu người, tăng 6,6% so với năm trước đó. Đây là năm thứ 5 liên tiếp con số này đạt mức cao kỷ lục. Người nước ngoài ở Nhật Bản quá thời hạn visa đông nhất là Hàn Quốc, đứng thứ hai là người Việt Nam với 10.131 người, và đứng thứ ba là Trung Quốc. Số người Việt Nam ở lại Nhật Bản quá hạn thị thực tăng khoảng 65% so với năm 2017.
Nguyen Thi Thuy Phuong, 29 tuổi, để lại con nhỏ đang học tiểu học và chồng ở Việt Nam để sang Nhật làm việc tại nhà máy sản xuất đồ len ở thành phố phía bắc Mitsuke. Phuong ước có thể mang cả gia đình sang Nhật ở từ ba năm trở lên.
"Cuộc sống bên Nhật thoải mái và không khí trong lành", Phuong nói.
An Hồng