Trước khi tới Canada, một trong những điều tôi quan tâm là liệu có chuyện phân biệt chủng tộc hay không và việc đó có ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của mình không? Một người bạn dặn tôi là nếu người nước ngoài hỏi là đến từ quốc gia nào thì trả lời là từ Nhật hoặc Hàn Quốc thì đỡ bị phân biệt. Tôi có hỏi một anh bạn ở Australia thì anh này cũng nói là khu anh ta sống cũng khá phức tạp và buổi tối rất sợ ra đường vì những phần tử phân biệt chủng tộc. Đọc báo chí thì cũng thấy có sự kiện sinh viên Việt Nam tại Nga bị băng nhóm đầu trọc sát hại.
Tôi có hỏi trực tiếp những người ở Canada thì phần lớn họ đều nói là Canada là đất nước đa văn hóa, đa chủng tộc nên việc này rất ít. Một anh bạn đang làm việc tại ngân hàng của Canada thì chia sẻ vẫn có hiện tượng này nhưng ở mức độ nhẹ, vì vẫn có khách hàng muốn giao dịch với người da trắng hơn để người da vàng thực hiện. Tất nhiên là lãnh đạo ngân hàng có quan điểm thà để mất khách hàng còn hơn là để hiện tượng phân biệt chủng tộc xảy ra đối với nhân viên của mình.
Sang Canada thì khi gặp mọi người và được hỏi từ đâu tới thì tôi vẫn nói là từ Việt Nam tới và tôi cũng thường quan sát xem thái độ của họ thế nào. Phần lớn thì tỏ ra thái độ bình thường và một số thì lại thấy thích thú. Những người thích thú đa phần là người lớn tuổi và đến từ các quốc gia đã từng bị Mỹ chiếm đóng hoặc gây ảnh hưởng. Họ thường hay nói chuyện về chiến tranh của Việt Nam và cũng nhiều người không biết rằng Việt Nam đã thống nhất.
Và rồi tôi cũng gặp một trường hợp của sự việc phân biệt chủng tộc khi tham gia một khóa học phần lớn là của người da trắng. Giáo viên có vẻ không được thận mật và cởi mở với tôi so với những người khác. Tuy nhiên, tôi rất hiểu và thay vì cảm thấy bức xúc thì tôi lại rất hay phát biểu quan điểm của mình trước lớp và ứng xử cởi mở hòa đồng với giáo viên và các sinh viên khác. Sau vài ngày thì thái độ của giáo viên thay đổi hẳn và trở nên thoải mái thân mật với tôi như những người khác.
Vốn là người cũng khá thẳng thắn, sau khi trở nên thân mật tôi trực tiếp hỏi giáo viên rằng có phải cô ấy không thích người Việt Nam hay Trung Quốc. Cô ấy cũng trả lời thẳng thắn là đúng vậy vì cô đã từng gặp những người như vậy ứng xử không tốt. Tôi nói với giáo viên rằng, bất cứ xã hội nào và cộng đồng nào đều có người này và người kia, quan trọng là phải nhìn nhận được con người cụ thể của họ, và cô ấy đồng ý với quan điểm nêu trên.
Vừa rồi tôi có đọc bài báo trên về chuyện đàn ông Việt Nam lấy vợ Hàn Quốc. Lẽ ra thì chuyện lấy vợ, lấy chồng là rất bình thường nhưng nó đã trở thành một đề tài nóng bỏng vì quan niệm của bố mẹ cô dâu là người Hàn Quốc có cái nhìn không thiện cảm đối với đàn ông người Việt.
Hồi ở Việt Nam khi trao đổi với bạn bè về chuyện nhập quốc tịch cho mấy anh chàng cầu thủ bóng đá da đen thì cũng có anh bạn không đồng tình với chuyện đó cho lắm.
Chuyện phân biệt chủng tộc là một thực tế và ở đâu cũng có thể xảy ra. Tôi hiểu rằng tất nhiên phải có những lý do nhất định thì một người mới có suy nghĩ về cộng đồng khác không thiện cảm. Việc cần làm không phải là chỉ trích suy nghĩ đó vì con người đều có quyền tự do về quan điểm mà quan trọng là phải làm những gì để thay đổi hình ảnh đó. Một cá nhân trong cộng đồng chỉ có thể thay đổi chính hình ảnh của anh ta, còn chưa thể thay đổi được hình ảnh của cả cộng đồng, muốn thay đổi hình ảnh cộng đồng thì phải có nhiều người trong cộng đồng cùng phải hành động và làm thay đổi nó.
Trên đây là những nhắn nhủ về kinh nghiệm sống của tôi về chuyện ứng xử đối với chuyện phân biệt chủng tộc khi sống ở trong một cộng đồng khác để cùng chia sẻ với cộng đồng người Việt đang quan tâm tới diễn đàn Người Việt 5 Châu.
Nguyễn Hồng Hải