Với Wang Bo, 45 tuổi, kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia năm 1992 là cơ hội "đổi đời" khó quên. "Nếu không có cuộc thi, đời tôi sẽ mắc kẹt trong một huyện lỵ nhỏ cả đời và không bao giờ có cơ hội học tập ở một thành phố lớn", Wang nói.
Wang cho biết thường gặp ác mộng khi chuẩn bị cho kỳ thi. "Cuộc cạnh tranh khốc liệt khiến tôi lúc nào cũng lo lắng vì chỉ 10% thí sinh dự thi trúng tuyển vào các trường đại học năm 1992", anh nhớ lại.
"Nhưng nó vô cùng đáng giá", Wang nhấn mạnh. Anh hiện là người đứng đầu một công ty bảo vệ môi trường ở Bắc Kinh, cho biết kỳ thi đại học (hay còn gọi là cao khảo) đã mang lại cho mình một cuộc sống sung túc như hiện nay.
Kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia thường niên của Trung Quốc đã thay đổi cuộc sống của hàng chục triệu người, bao gồm Wang, khi được nối lại vào năm 1977. Kỳ thi năm nay diễn ra trong hai ngày 7 và 8/6, với sự tham gia của hơn 10 triệu học sinh cạnh tranh giấc mơ vào đại học.
"Suốt một thời gian dài, cao khảo là lối thoát duy nhất, đặc biệt với học sinh nông thôn những năm 1980", Deng Wenqing, chuyên gia cấp cao về văn hóa và truyền thông Trung Quốc, nói.
Đạt điểm cao không chỉ giúp học sinh tiếp cận nền giáo dục tốt mà còn giúp họ tìm được việc làm lương cao sau khi ra trường. "Cao khảo từng được coi là lối tắt cho học sinh nông thôn và con em gia đình có thu nhập thấp thay đổi cuộc đời", ông Deng nói.
Tuy nhiên, kỳ thi này không dễ dàng chút nào. Đầu những năm 1990, tỷ lệ nhập học đại học ở Trung Quốc ở mức 5%, thấp hơn so với nhiều nước phát triển. Năm 1999, Trung Quốc đưa ra chiến lược mở rộng giáo dục đại học, nhằm mang tới cho học sinh cơ hội hưởng nền giáo dục cao hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của học sinh tốt nghiệp trung học.
Chính phủ Trung Quốc triển khai nhiều biện pháp mở rộng tuyển sinh đại học, bao gồm xây thêm trường học, tuyển thêm giáo sư và cung cấp học bổng cho sinh viên nhà nghèo. Kết quả là các trường đại học Trung Quốc tiếp nhận khoảng 1,59 triệu sinh viên năm 1999, tăng hơn 47% so với năm trước.
"Chính sách mở rộng tuyển sinh, cùng sự giúp đỡ của chính sách cải cách và mở cửa kinh tế Trung Quốc, cũng như nền kinh tế phát triển vượt bậc, đã khiến giáo dục đại học vốn chỉ dành cho con em các gia đình khá giả trở thành mô hình giáo dục đại chúng ở Trung Quốc", Deng nhận xét.
Thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc cho thấy các tổ chức giáo dục đại học ở nước này là nơi học tập của 36,99 triệu sinh viên năm 2016, chiếm 20% tổng lượng sinh viên trên thế giới.
Tỷ lệ nhập học ở bậc đại học Trung Quốc tăng lên 42,7% năm 2016, so với 30% năm 2012. Nhưng trong những năm qua, đại học không còn là cơ hội duy nhất để các học sinh nước này thay đổi cuộc đời.
"Cao khảo vẫn là cách quan trọng để kiểm tra kiến thức của học sinh trung học, nhưng nó không còn là yếu tố chi phối cuộc đời con người nữa. Nhiều học sinh đang chuyển sang du học hoặc học nghề chuyên nghiệp", Wang Bo nói.
Năm ngoái, Trung Quốc có 660.000 sinh viên du học, tăng 50.000 người so với năm 2017. Chính phủ Trung Quốc cũng chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, đưa ra một kế hoạch mở rộng tuyển sinh dạy nghề thêm một triệu chỉ tiêu trong năm nay để bồi dưỡng sinh viên các kỹ năng chuyên môn khác.
"Sự phát triển kinh tế và xã hội nhanh chóng đã làm tăng nhu cầu về nhân tài trong nhiều ngành công nghiệp. Vì vậy, chúng tôi nhận thấy ngày càng nhiều học sinh chuyển sang học các trường dạy nghề và kỹ năng", Deng nói.
Hồng Hạnh (Theo Xinhua)